Tôi thích những người trầm tính. Bởi nếu như ở bên đa số mọi người, tôi năng động và nghịch ngợm, thì ở bên họ, tôi lại có cảm giác an bình nhẹ bâng. Và tôi thích cảm giác ấy.
Có lẽ bởi sâu bên trong tôi cũng là một con người trầm mặc. Nói vui thì tôi bây giờ cũng là do dòng đời xô đẩy. Nhưng tôi vẫn còn nhớ hình ảnh một tôi nhỏ bé, hay lân la khắp nơi một mình rồi cũng một mình tìm một gốc cây đơn chiếc tựa vào để tưởng tượng ra đủ thứ trên trời dưới đất. Lúc bị bắt nạt cũng một mình ở lại trong lớp lúc tan trường, một mình khóc, một mình buồn.
Giờ lớn rồi, tôi bắt đầu biết đến cụm từ “gặm nhấm nỗi cô đơn” và hạn chế đi nhiều thói quen đó. Nhưng đôi khi tôi vẫn thích một khoảng không của riêng tôi, để tự nhìn về bản thân, để tự suy tư, để thất vọng, để tìm cách khóc, và cũng có khi chỉ là để cảm nhận sự phiêu lãng không tên vớ vẩn của riêng mình.
Có một người bạn Indonesia tên là Cos nói với tôi rằng: “bất cứ ai cũng đều cần có khoảng không cho riêng mình, bằng không thì ta sẽ chỉ như một đứa ngốc” – đại ý như vậy, tôi trả lời rằng: “Vậy sống nội tâm có nghĩa là thông minh?”. Anh ta cười, phần còn lại của cuộc hội thoại thì tôi chẳng thế nào nhớ rõ.
Nhưng tôi nghĩ rằng điều đó đúng, bởi nếu bạn càng nhìn nhận bản thân mình nhiều, thì bạn sẽ trưởng thành càng nhanh. Và chuyện đó bạn làm tốt nhất khi ở một mình, khi bạn thực sự có đủ thời gian và không gian để nhìn sâu vào tâm hồn của chính bạn, để soi xem nó đang nghĩ gì, đang nói gì và đang cần gì. Rồi từ đó mở rộng giác quan từng chút từng chút một, để sống trọn hơn và khôn ngoan hơn. Điều này dân mạng đánh đồng với “tự kỉ” còn khoa học gán cho một cái tên nghe rất kêu là “self smart”. Và tôi cam đoan rằng chỉ số Self smart được quan tâm bởi rất nhiều học giả trên thế giới
Nói chung, đụng đến học giả đã là thông minh rồi, đừng bàn cãi làm gì cho mệt
Và đó cũng chính là lí do tôi thích những con người trầm tính, bởi họ luôn luôn có những góc nhìn mà tôi hay nhiều người không sao có được.
Tình yêu đầu đời của tôi là một gam màu trầm. Nó nhẹ nhàng và yên lặng. Chúng tôi mến nhau từ những lúc ngồi bên đài phun nước ở quảng trường thành phố, chẳng có quá nhiều điều để nói, chỉ có cảm xúc là lên ngôi. Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi hôn nhẹ cô vào má, mưa phùn ướt đẫm vai và nhịp thở như mạnh hơn, nhưng tôi cũng chỉ lầm bầm vài câu rồi lại im lặng, cô cũng im lặng, siết mạnh lấy tay tôi, đó là một buổi tối tôi chẳng bao giờ quên. Sau này tình cảm ấy cũng cứ như vậy, nhẹ nhàng đi và nhẹ nhàng chấm dứt, ngay cả những khổ đau quay quắt cũng bình yên lạ kì. Chẳng có quá nhiều thứ để cãi vã, để cười nói và sau này là để quên đi.
Chuyện tình yêu trẻ con ấy thì kết thúc sớm khi tôi vào 12, nhưng cái cảm giác thích sự bình an trong tôi thì vẫn còn đến bây giờ. Đặc biệt tôi có những người bạn thân rất trầm, rất yên lặng, và tôi ở bên họ chỉ muốn ngồi nhắm mắt và thưởng thức một chút tĩnh giữa ngày dài vội vã. Thằng bạn tôi nói đó là những người “không nhây” được, tôi thấy cũng có lí, bởi tôi vứt đi cái phần bần tiện và bẩn bựa thì cũng thanh cao ra phết đấy chứ, mà ai chả thích có cho mình những lúc được thanh cao, được yên lặng, được là mình. Thế nên chẳng có gì lạ khi trong một đám nhoi nhoi mất trật tự và đủ loại tính khí, luôn luôn cần có một người trầm tính.
Vậy nên, nếu như bạn có lỡ quá im lặng giữa một câu chuyện, lỡ lạc lõng trong một cuộc vui, lỡ chìm mình giữa mọi người, lỡ để dạt mình theo những xúc cảm mơ hồ và khó hiểu, thì cũng đừng lấy làm buồn về chuyện ấy. Bởi đó là bạn thôi, và biết đâu có những người yêu quý bạn đặc biệt cũng vì cái màu trầm đặc trưng chẳng lẫn vào đâu được ấy.
Tôi dành tặng đoạn này cho một cô bạn bình yên và trong sáng |