Mấy hôm nay tôi có theo dõi
câu chuyện xoay
quanh chàng phượt thủ xấu số người Anh Aiden Webb. Dư luận luôn có nhiều chiều, người lao vào chê bai, người đồng cảm và ngưỡng mộ, người thì chỉ đơn giản là tiếc thương cho chàng trai
trẻ vì đâu
mà quá yểu mệnh. Mỗi người đều có một cái lý, nhưng cuối cùng, tôi thấy tất cả những lời nghi hoặc hay chê bai đều là vì họ còn phân vân về câu hỏi: “Hành xác để được gì?”.
Tôi bắt gặp câu hỏi này trong
một bộ phim tôi tình cờ đi xem một mình,
Everest, một bộ phim kể về chuyến đi lịch sử của những người chinh phục “nóc nhà thế giới”. Đây có thể nói là một trong những thử thách nguy
hiểm nhất trên đời, những nhà leo núi bỏ hàng ngàn đô la Mỹ để đặt mình vào ranh
giới giữa sự sống và cái chết, những chuyến đi ấy đôi khi còn hủy hoại cơ thể kẻ phiêu lưu, phá nát nhiều mối quan hệ xung quanh họ.
Và có một phân đoạn khi nhóm leo núi họp nhau trong một cái lều trước khi chính thức khởi hành, nhà văn/nhà báo Jon
Krakauer đã đưa ra câu hỏi: “Lý do gì khiến mọi người phải làm điều này?”. Câu trả lời của cả hội khi ấy chỉ đơn giản là: “Vì những ngọn núi ở đó”, xong đâu đấy họ bá vai
nhau, cười nói, ca hát và uống những cốc bia như thể ngày mai họ chỉ đơn giản là đi dã ngoại.
Nhưng rồi, khi chuyến đi đã đến phần khắc nghiệt, có 2 người trong đoàn ngồi nói chuyện với nhau, họ nhắc lại câu hỏi: “Chúng ta làm những điều này rõ ràng là hành xác, vậy chúng ta làm để làm gì?”. Một nhân vật đã nói rằng: anh ta đi để chứng minh mình làm được, để sống nốt phần đời còn lại như một người chinh phục. Còn người vừa đặt ra câu hỏi cũng kể về những đám mây luẩn quẩn trong đầu khi phải chôn chân ở nhà, và anh đi, là để có cảm giác được hồi sinh.
Đó là phân đoạn tôi thích nhất phim, vì đây âu cũng là
câu trả lời mà tôi tìm kiếm đã khá lâu. Rốt cuộc những đứa trẻ như chúng tôi tại sao lại cứ thích thử thách bản thân mình? Ví dụ như đi phượt bằng xe máy thay
vì nằm giường nằm ngủ khì một giấc tới nơi, thích ngủ lăn lóc ngoài bãi biển thay vì chọn một cái
resort xinh đẹp và tận hưởng, thích leo
núi bằng chân, tay
và mông thay
vì èo một phát tới đỉnh bằng cáp treo
xong take a selfie rồi tận hưởng lời tán dương từ friendlist ngàn người không quen
thuộc?
Có những đợt tôi chôn mình trên những con đường trekking nắng gắt hay co ro những đêm giữa núi rừng và tự hỏi, kèm chửi thề: "Rốt cuộc mình được đéo gì?"
Đôi khi mình chả được gì rõ ràng.
Ý là, ai đã từng leo núi hẳn sẽ hiểu rằng cảnh không phải lúc nào cũng là quá đẹp, đi
trekking thám hiểm không phải lúc nào bạn cũng đến được cái đích mình cần, phượt thì đkm cứ thích là nó sẽ mưa. Thiên nhiên như một cô gái tuổi hành
kinh, cứ đến ngày là đôi
lúc sẽ quăng vào mặt ta đủ thứ vấn đề, và cho dù có lên đỉnh thì cũng chưa chắc cảm thấy vui vẻ gì.
Tôi nhớ rằng, có một lần ở Đà Lạt, đoàn của tôi mười mấy người chạy xe máy qua 2
quả đồi để đến xem một cái vườn nho. Cực đến mức xe nó bốc mùi khét mà người còn ngửi được. Cuối cùng thì chẳng có quả nho nào, cảnh cũng chỉ là núi đồi trùng điệp, mùa thu
hoạch đã qua cách đó 2 ngày. Anh
trưởng nhóm của tôi đứng dậy và hỏi rằng: "Mọi người có vui không?",
mọi người nhìn nhau,
cười. Anh
bảo rằng: "Anh thấy vui, vì anh chưa bao giờ nghĩ con xe
này chạy được đến vậy, cả các bạn cũng vậy. Quan trọng là hành trình".
Ừ quan trọng là hành trình,
Con người tự hành xác bản thân để phá vỡ cái lồng mà sự an toàn tạo nên. Tự do là phần thưởng nhưng phải trả giá
Lại nói chuyện tháng trước, sếp tôi yêu cầu tôi viết một bài về “phượt hành xác”. Tôi nghĩ mãi, rồi quyết định viết ra một bài về những giá trị mà chỉ có sự hành xác mới cho chúng ta được. Những cái tôi kể ra khi ấy bao gồm: Sự tự do, khám phá trọn vẹn những điểm đến, sự tự lập, tính nhẫn nại, cách giải quyết vấn đề và cuối cùng là cơ hội hiểu chính mình hơn.
Lao mình vào những chuyến phiêu lưu, dù dưới bất kỳ hình thức nào, là lúc ta
thoát khỏi cái lồng an toàn thường lệ, là lúc ta đẩy mình vào cuộc phiêu lưu mà đôi khi
chưa đựng nguy hiểm và căng thẳng đến tột độ. Nhưng cũng chính từ những giờ phút ấy mà ta hiểu được hơn về chính mình. Chất adrenalin trích xuất từ những lần phiêu lưu không chỉ tạm xóa tan đi những lo âu không đáng có ngày thường, mà còn cho
ta biết được những giới hạn của bản thân. Nghe
có vẻ lý thuyết, nhưng nếu bạn đã từng chinh phục được một ngọn núi, hoặc một địa điểm trong mơ, bạn tự khắc sẽ hiểu được cái giờ khắc đối thoại với chính mình nó ý nghĩa đến như thế nào.
Tôi sẽ không bao
giờ quên những giây phút
mình lao vun vút trên những con đèo đầy gió, những lúc kẹt cứng bánh xe
trên những đoạn đường rừng hẹp và lầy lội, những vạ vật giữa núi rừng hay đồng không mông quạnh, những ngày đầu trần len lỏi những bụi lau dài hàng mấy cây số mà không rõ đích đến, những lần vác xác chạy xe đêm chỉ để trốn khỏi thành phố này. Và tôi dám chắc không lần nào mà tôi không chửi thề. Vì đó, rõ ràng là hành xác.
Nhưng với tôi, hành xác đồng nghĩa với tự do, và tôi tin
Aiden cũng vậy. Chính vì vậy tôi nghĩ rằng đã đến lúc chính
tôi phải dẹp qua những định kiến về sự liều lĩnh của anh và những người tham gia bộ môn free
soloing, bởi đó là cuộc sống anh chọn. Và đến giờ phút này, bỏ qua những phân tích có phần chuyên gia,
tôi thực sự khâm phục anh khi anh có thể sống đến giây phút
cuối cùng với con đường của mình.
Chúc anh an nghỉ, Aiden.
Sài Gòn 12/6/2016