Tôi post lại nhân dịp những ngày học cuối cùng của hệ chính quy Báo chí năm 4 gần chạm ngõ. Và đời tôi chình ình một câu hỏi "mình sẽ là ai".
Như một số bạn đã biết hoặc có thể không biết, nhờ vào việc hệ Đại học không có chính sách ở lại lớp, thằng cù bất cù bơ như tôi cũng có thể đường hoàng trở thành sinh viên năm cuối khoa Báo chí Truyền thông của trường Khoa học Xã hội rất Nhân văn. Nhưng khoan hãy bàn đến việc đứng trước ngưỡng cửa năm cuối của cổng trường đại học cao vời vợi, tôi xin ngược dòng thời gian kể đôi chút về những kinh nghiệm làm đàn anh đàn chị trong trường những ngày xưa ấy.
Lần đầu tiên tôi gia nhập câu lạc bộ “già nhất trường” (không có nghi ngờ gì) là vào lớp 5. Khi ấy tuổi tiểu học nghe qua loa mẹ bảo là “Giờ Bờm lớn nhất trường rồi đó, phải làm gương nha” thế là cũng nghếch mặt lên xỏ tay vào túi quần phăm phăm vào trường. Hồi cấp 1 tôi hay bị bắt nạt nên tư thế oai phong đó cũng chẳng kéo dài được mấy, có điều tôi vẫn tự xác định được là mình oai. Bởi có lần hứng chí lượn xuống khu “đàn em” bỗng có thằng nhóc lớp 3 mập ù kéo mình lại chỉ vào mặt một thằng mập không kém: “Anh ơi, chơi thằng này hộ em”, tôi liếc qua thấy thằng em ruột mình (lớp 1) đang hùng dũng lao tới chực đập mấy thằng lớp 3 liền khoát tay cười khẩy: “Tèo! Biến”, thế là các anh hùng 8 tuổi được cứu thoát, mừng hết lớn, tôn vinh tôi làm đại ca. Quả là cái uy của năm cuối.
Đến lớp 9, tôi được hưởng cảm giác năm cuối lần thứ 2. Khi điểm chác êm thắm cũng là lúc các anh hào trỗi dậy vì một kỉ niệm cuối cấp tự do. Những trò ngu không giới hạn bắt đầu được viết lên thành biên niên sử kí. Nào là đi nện thằng em lớp dưới, nào là đi xì lốp xe ông thầy, nào là đi bắt kì nhông nghịch, nào là cúp học đi qua trường cấp 3 uống chà xữa để có cảm giác mình thành người lớn,… . Ngày ấy chia tay cả lũ còn hẹn nhau tề tựu lại một mái trường để cùng “khuynh đảo” cái thị trường giang hồ đang vô cùng lũng loạn thời những thập niên 2000. Thằng Lê Dung, bạn tôi đã phát minh ra câu slogan để phổ quát tinh thần học sinh cuối cấp: “Giờ Bác Hồ có sống dậy tao cũng đ** sợ”.
Thế nhưng nói thì nói vậy, tuổi cấp 1, cấp 2 ngây thơ làm sao oanh liệt bằng những năm cuối Phổ Thông, lũ chiến hữu cấp 2 của tôi lên 12 đột nhiên nhảy vọt thành những đàn anh có chỗ đứng trong giới giang hồ, ai cũng kính sợ. Tôi đường hoàng dựa hơi chúng nó sải bước vào trường không thèm nhìn mặt đất, công thêm danh tiếng lớp trưởng lớp chọn phải nói là huy hoàng vô cùng tận. Lâu lâu các anh vi hành xuống lớp dưới xem mặt các em hot girl liếc nhìn lũ nhóc lớp 10 khúm núm lại càng oách. Tôi còn nhớ thằng bạn mình sáng ăn bánh mì không ngon vì bị thằng cu năm dưới “nhìn đểu”, xong nó nhất quyết lôi tôi đi tìm cậu em xấu số kia bằng được để dạy dỗ lại đàn em. Mấy phút sau thằng bé lớp 10 bị lôi đầu ra từ cuối lớp mặt xanh như đít nhái, líu ríu xin lỗi. 2 thằng ưng bụng nghếch mặt lên trời tiếp tục công cuộc đi tìm bữa sáng, lòng tôi khi ấy vẫn không khỏi băn khoăn rốt cuộc nhìn đểu là như thế nào.
Hoài niệm đơn sơ vậy thôi để mọi người nắm tinh thần là ngày ấy cứ đến cuối cấp là tôi thật, không khác gì minh tinh màn bạc, trưởng bối võ đường, oai phong lẫm liệt đéo ngán thằng nào. Ấy vậy mà không hiểu sao mà giờ cũng năm cuối, đứng trước ngưỡng cửa năm 4 đại học lại thấy mình lờ khờ như con ngỗng đực, bỡ ngỡ không khác gì các em năm nhất mới lên, bần thần khều vai lũ bạn: “Ê mày, thế rốt cuộc mình năm 4 rồi à?”.
Ừ thì là sinh viên năm cuối, chúng tôi cũng như bao sinh viên còn lại trong trường, chả có gì nổi bật. Vẫn lầm lũi cắp sách đi học, vẫn lân la sảnh trường tìm gió mát tâm hồn, rồi vẫn hồn nhiên cúp học tất cả những buổi mà mình không thích (thói quen này đã có từ năm nhất), đến kỳ sau lại hồn nhiên đóng tiền học lại. Nói chung là chẳng có tí oai hùng nào.
Năm 4, tôi chỉ có cái cảm giác buồn cười trong lòng rằng sao mọi thứ lại nhanh quá vậy. Mới ngày nào vào trường lắm bỡ ngỡ, giờ lại cũng sắp bỡ ngỡ đi ra. Trả nợ môn xong lắm đứa nhìn nhau loay hoay hỏi “Giờ mình làm gì tiếp”, “Tao cũng chẳng biết, chắc lại đi viết lai rai, tháng kiếm vài củ, rong chơi cho biết cuộc đời, cho đến khi tìm được niềm đam mê đích thực của mình”.
Năm 4, lũ bạn ngày nào giờ nhìn nhau chỉ thầm cười mỉm. “Ừ mày có khác đó, nhưng mày không nhắc tao cũng chẳng nhận ra”. 4 năm đại học trôi qua nhanh như chong chóng, giờ mình còn chơi với nhau được đó là niềm vui lớn rồi mấy đứa ạ.
Rồi thi thoảng, lũ đàn anh trong trường lại ngồi hoài niệm quán cóc ven đường, ngày xưa mình thế này này, thế kia này. Biết có mấy ai nhớ hay quên những phút quân sự lãng đãng, hay trại báo chí hò vang như giặc, hay những lúc tham gia câu lạc bộ này câu lạc bộ kia, rồi thất bại, lại nhìn nhau oán giận.
Năm 4 Báo chí, lũ chúng tôi có cái được đi nhiều. Rong ruổi khắp nơi rồi lại càng thấy mình nhỏ bé so với thế giới, lại muốn đi nhiều hơn, làm nhiều hơn để lấp đầy đi những khoảng trống trong lòng mình.
Năm 4 Báo chí, các gã có cơ hội hiểu hơn về cuộc sống này, 3 tháng thực tập cũng phải tập nhìn xem xã hội giờ sống ra sao, bắt đầu biết rung động trước những mảnh đời lay lắt, bắt đầu cảm được những câu chữ có phần vĩ mô của những người học cao hơn mình. Mấy gã học báo quen thói đi làm bài tập nửa đêm lẩn vẩn ngoài đường, đâm ra thuộc cái không khí về đêm, thuộc cả đường phố Sài Gòn. Lâu lâu đi lang chả sợ gì, chỉ sợ già.
Năm cuối, giả vờ là không quan tâm đến tương lai, nhưng ai mà không nghĩ, rằng hình thù mình 5 năm nữa sẽ như thế nào? Rồi cứ cắm đầu vào làm, vào học, vào guồng quay quan hệ để cố tự định đoạt cuộc đời sẽ nhào nặn mình như thế nào. Đặc biệt làm trai thằng nào không muốn có danh gì với núi sông? Lao vào mà chiến, chẳng còn thời gian mà đi tìm đàn em lơ ngơ để bắt nạt. Đại học ôn 2 tháng vẫn có thể đậu, đi làm thì đừng hòng, cái gì cũng phải chuẩn bị.
Thêm cái lớn rồi, làm đàn anh đàn chị rồi thì ai cũng đẹp lên. Có nhiều đứa rũ bỏ cái vẻ nhà quê chân chất khi chân ướt chân ráo lên thành thị, bắt đầu “đĩ như Sài Gòn”. Như thằng bạn tôi có tuyên bố rằng: “Năm 4 nó phải thật đẹp trai”. Nó làm được thật, nhiều đứa khác cũng vậy. Nhìn mấy cô bạn “lúa lúa hiền hiền” ngày nào giờ xinh tợn, lòng lũ trai già lại thấy cứ động lòng thế quái nào.
Rồi năm cuối rồi, có yêu hay không? Hồi cấp 3 cũng hỏi, cũng bắt đầu rục rịch tỏ lòng. Có điều lớn đầu 21 tuổi rồi yêu nó khác trước. Mình sẽ là gì của nhau? mình sẽ bên nhau như thế nào khi không còn chung câu chuyện giảng đường nữa? Và tớ làm được gì cho cậu? Nhiều câu hỏi lắm. Có mấy ai tuổi này yêu không tính toán. Vì đời về cơ bản là hơi nhiều vấn đề.
Nói nôm na, ở cái ngưỡng cửa này, năm cuối giống như leo được lưng chừng núi. Mọi thứ dưới chân đều thật đẹp đẽ, chẳng hiểu vì sau mình tiến được đến lúc này mà vẫn còn lành lặn, phát mắt ra xa lại thấy nhớ những lúc gục ngã, ngẩng đầu lên trên lại thấy chơi vơi không biết bao giờ mới đến đỉnh. Ngồi nghỉ một chút rồi lại cặm cụi leo, cặm cụi làm, cặm cụi học.
À nhưng cuối cấp thì lúc nào cũng vậy. Tình bạn là thứ đáng trân quý nhất. Tiểu học cũng vậy, cấp 1, cấp 2 cấp 3 cũng vậy, Đại học càng vậy. Tôi bắt đầu thấy sợ đánh mất đi những mối quan hệ, cố hết sức để có được nhiều kỉ niệm nhất cho những năm cuối đời sinh viên, như cái thời cấp 2 cùng nhau giả vờ làm người lớn, như cấp 3 cầm nước ném nhau để cho ra trò,...
Đại học không có lưu bút, cũng không có kí áo. Nhưng rồi loay hoay kiểu gì chẳng có vài dòng sến súa, theo kiểu:
“Ê tụi mày, sắp tới tao hết tiền rồi. Có đứa nào cho tao mượn lại tuổi trẻ ngày xưa được không?
Hả?"
Sài Gòn 9/9/2015