Tôi hồi 20

Tôi hồi 20

CÔ DIỆU

Những người có tình yêu với 2 thứ: thời trang và áo dài hẳn không còn xa lạ gì với cái tên Trịnh Hoàng Diệu.



Tôi gặp cô Diệu lần đầu tiên trong show diễn áo dài của cô. Khi ấy tôi chỉ như cậu học việc cố chào nhân vật đinh của sự kiện một nụ cười thân thiện. May mắn thay nụ cười ấy đã được đáp lại một cách nồng ấm. Rồi cô lại ngay lập tức hòa vào đám đông màu sắc đang hồ hởi chúc mừng. Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô là một người phụ nữ "rặt Huế" và nhanh nhẹn.

Lần thứ 2 là lúc tôi đi quay một bộ phim về chính cô Diệu. Chúng tôi đặc biệt may mắn được cô Diệu tiếp đón ngay tại căn nhà nhỏ số 47C Phạm Ngọc Thạch với một nụ cười nồng ấm thân tình đậm chất Huế. Buổi sáng trước khi bấm máy, cả Ekip đã tranh thủ lên sớm để trò chuyện với nhà thiết kê tài hoa này. Cô Diệu kể nhiều về những câu chuyện hậu trường của Diệu Fashion show , cả những niềm vui không thể giấu được khi giấc mơ ấp ủ bấy lâu thành sự thực. Cứ mỗi khi nhắc đến áo dài, đôi mắt cô lại ánh lên một ngọn lửa kiêu kì, ngon lửa của đam mê mà ở cái tuổi ấy không nhiều người còn giữ được.

Cái duyên cô Diệu đến với áo dài cũng nhẹ nhàng và tự nhiên như cách cô đến với thơ hay với âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Cô lớn lên tại Huế, những tà áo dài của nữ sinh Đồng Khánh lúc tan trường đã ngấm sâu vào miền kí ức cua cô Diệu về quê hương một thời niên thiếu. Những tình cảm ấy cứ mãi vấn vương trong lòng không sao thoát ly được. Cho đến một hôm trên máy bay, tình cơ cô nhìn thấy những vạt mây chuyển màu, và rồi một cách tự nhiên cô nghĩ đến áo dài. Bởi “sẽ thật tuyệt vời nếu những chiếc áo dài Việt Nam cũng được đẹp như vậy”. Và rồi cô vẽ ra chiếc áo dài đầu tiên của mình, chiếc áo màu xanh da trời với 2 nét nhấn như 2 vạt trời chuyển màu ơ cổ và hông. Đó chính là khởi đầu của cô với vai trò là một nhà thiết kế áo dài.

Những Shot phim đầu tiên chúng tôi quay cho cô Diệu trôi qua trong sự cẩn trọng. Tôi đã từng được nghe về sự cầu toàn trong công việc của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bên dường như cả đoàn phim luôn cố gắng trong để tránh làm cô Diệu phật lòng. Nhưng của đáng tội, Shot máy đầu tiên set up đến gần một tiếng đồng hồ, chưa kể còn bắt cô phải thay đi thay lại y phục mấy lần. Ấy  vậy mà cô chỉ nhẹ nhàng nói: “Đạo diễn bảo sao cô ghe vậy, có thế thì sản phẩm mới đẹp được”. Rồi cô nở nụ cười, mọi thứ sau đó trở nên thật dễ dàng.

Cô Diệu trong những đoạn hội thoại tự nhiên thì vô cùng cuốn hút nhưng khi đứng trước ống kính máy quay lại bị ngại. Có lẽ bởi tính cô thật như Huế, chẳng bao giờ muốn làm những thứ không tự nhiên, ngay chuyện xưng hô bị thay đổi cũng làm cô ngập ngừng, bối rối, “Mình bình thường có xưng với ai là tôi bao giờ đâu”. Duy có cảnh trong căn phòng làm việc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là khác. Lúc đó cô ngân nga bài hát Đóa hoa vô thường rồi chợt nhận ra tất cả những gì cô vẽ ra trong bộ sưu tập vừa rồi đều có trong bài hát này. Là những cánh hạc bay, là trăng, là mai, là em thấp thoáng trong “chiều bạc mệnh” như không hẹn và gặp, hội tụ hết trong những chiếc áo dài. Đó cũng chính là lúc cô kể một cách xuất thần cho chúng tôi nghe cách nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ảnh hưởng đến con đường nghệ thuật của cô. “Anh Sơn như ám ảnh vào tôi tự lúc nào không biết”. Những câu nói tuôn trào ra như ý thơ, và tất cả chúng tôi đều nín lặng, nửa sợ mình làm ồn hỏng cảnh quay, nửa ngập ngừng trước những hình ảnh đẹp của Đóa hoa vô thường.


Gian phòng nhỏ ở tầng áp mái, không gian riêng NTK Trịnh Hoàng Diệu dành cho niềm say mê công việc, thêu thùa, may vá là nơi chúng tôi “đóng quân” lâu nhất. Mọi khung cảnh trong căn phòng trải dài ra phía ban công xanh ngắt rồi vào phòng ngủ đều có thể trở thành một thước phim. Căn phòng làm việc của cô giản dị mà tinh tế, những bộ báo dài được treo thẳng thớm và màu sắc, đối diện là một chiếc máy may cũ kĩ chuẩn mực, mặt hướng về phía ban công, phần còn lại căn phòng chấm phá bởi những tác phẩm nghệ thuật. Chỉ nhìn căn phòng thôi ta đã biết được gout thẩm mĩ của chủ nhân. Cô Diệu thích căn phòng làm việc của mình biệt lập, bởi cô không muốn người khác thấy cô làm việc, chỉ khi không gian thinh lặng cô mới có thể đối diện với lòng mình.

Cô Diệu không bao giờ thích nói về bản thân, ngay cả việc đưa ý kiến của mình cô còn e dè, bởi cô tự cho mình vẫn còn nông cạn lắm, chưa đủ tư cách để bàn đến những quan điểm lớn lao, đó chính là sự khiêm nhường mà không nhiều người có được. Tuy nhiên điều này cũng khiến chúng tôi gặp vài khó khăn khi phỏng vấn. Ngày quay đầu tiên của chúng tôi kết thúc lúc 9 giờ đêm. Cô Diệu gần như đã kiệt sức nhưng vẫn nở nụ cười tươi tiễn cả ekip, luôn miệng hỏi han vì sợ cả đoàn mệt.

Ngày quay thứ 2, đoàn phim đến từ 1 giờ trưa, chúng tôi cố gắng bắt được càng nhiều càng tốt những chi tiết đắt giá trong căn phòng làm việc của cô Diệu. Ở đây mọi người như bị cuốn theo cách cô Diệu sáng tạo ra những mẫu áo dài, cách cô tỉ mỉ chọn vải, cắt, may để hiện thực hóa chúng thành những tác phẩm nghệ thuật. Cô Diệu vẽ những mẫu thiết kế của mình như một họa sĩ đang phóng bút vẽ một bức tranh. Với cô, sáng tạo ra một chiếc áo dài cũng giống như ngân nga một nốt nhạc, sáng tác một câu thơ.

Tôi nhớ nhất khi được hỏi rằng: “Cô nghĩ như thế nào về chân-thiện-mỹ?”, cô Diệu ngẫm nghĩ rồi trả lời nhẹ nhàng: “Với cô chân-thiện-mỹ chỉ đơn giản là sống hay, sống tốt, sống đẹp, như lời mạ dặn ngày xưa phải luôn hướng đến cái thiện, làm đẹp cho đời, lẽ sống đó thấm nhuẩn trong cách cô tạo ra những chiếc áo dài”.

 “Gìn giữ vẻ đẹp” trong triết lí về áo dài của cô Diệu chính là việc nắm bắt những cảm hứng nguyên sơ nhất, tìm kiếm vẻ đẹp được gói ghém trong sự thô ráp để rồi hiện thực hóa chúng trên những chiếc áo dài được cắt may tỉ mỉ và công phu. Mỗi chiếc áo dài của cô Diệu đều xứng đáng với danh hiệu Haute Couture (thời trang cao cấp) bởi nó luôn là độc nhất. Cô luôn cho rằng để cho chiếc áo dài Việt Nam ngày càng được nhiều người biết đến và trân trọng như một “di sản văn hóa” thì chỉ có cách duy nhất, phải làm cho áo dài ngày càng đẹp hơn, nghệ thuật và cao sang hơn.

Cô chia sẻ: “Con người hiện đại, năng động, nhanh nhẹn, thì chiếc áo dài càng cần thiết để giúp chúng ta sống chậm lại hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một cô gái mặc áo dài không thể chạy nhảy, chen lấn mà đi đứng dịu dàng, cử chỉ đằm thắm. Vậy thì, áo dài tuy mong manh nhưng có thể níu giữ con người hiện đại đang bị lối sống tốc độ cuốn phăng”. Áo dài ở đây không chỉ là một tạo phẩm thời trang, nó là mạ, là em, là tranh thở.

Chúng tôi rời khỏi căn nhà số 47C Phạm Ngọc Thạch vào lúc 11h30 tối, cô Diệu đã “chiến đấu” cùng chúng tôi đến những phút giây cuối cùng. Có anh trong đoàn phim đùa: “Mấy đứa dọn đồ cho kĩ chứ mai lên gọi cửa cô không mở đâu” Cô Diệu nghe vậy thì cười, nén mệt mỏi tiễn chúng tôi ra tận cửa, tặng cho mỗi đứa một nắm tay thật chặt và nói: “Cảm ơn mọi người, chúng ta ở đây đều đang gìn giữ cái đẹp”.
“Mỗi ngày, với cây cọ trên tay, Trịnh Hoàng Diệu đang cố gắng làm cái việc vượt qua chuyện may để bán một chiếc áo dài.”
- Trích báo Lao Động-



Previous
Next Post »

Bài đăng phổ biến