Tôi hồi 20

Tôi hồi 20

ÔNG GIÀ BÁN SÁCH TRONG HẺM


"Ngày trước ông hay làm thơ, bà không thích đâu. Xong có thời gian mấy cậu sinh viên hay xin thơ ông về để tặng người yêu. Xin nhiều rồi chúng nó mới khuyên ông hay là gửi báo. Ông thấy có lý nên làm theo luôn. Ai ngờ báo đăng nhiều, được mấy năm thì ông đóng thành tuyển tập thơ Lê Luy, được NXB Hội Nhà Văn cho phát hành. 

Thấy nhiều người đọc thơ ông bà Mão mới đòi ôngtặng thơ cho bà. Ông làm luôn một bài đặt tên là "Vợ đặt làm thơ", thế mới hay ".

---
"Ông bà đúng nghĩa là khởi nghiệp luôn, bắt đầu từ cái rương sách nhỏ đằng kia, dần dần nó mới thành tiệm sách ngày nay đấy".

---
"Đây ông tặng thơ cho mấy đứa, riêng cậu trai từ Nam ra thì ông ưu tiên cho 2 tờ".

---
"Có lần nhà văn Tô Hoài cưới vợ xong mới qua tìm ông, thấy ông thì núp một góc trong phòng sách, ngại không dám ra mặt. Bảo em cưới không mời anh Luy, giờ mặt mũi đâu anh ạ".

---
Tôi vẫn luôn thích nhìn những người già "chơi" với sách. Số tuổi họ đôi khi bằng với những tác phẩm văn học mà thời nay người ta cho là kinh điển. Họ thậm chí đã sống hàng ngàn năm trong thế giới văn chương. Và cái thời của họ, khi mà chẳng có mấy thú vui, họ đọc nhiều sách đến mức lũ trẻ chúng tôi không tài nào tưởng tượng được.

Nhìn những người luống tuổi trầm ngâm bên những cuốn sách đã sờn gáy, tôi thấy này là tơ sách trầm ngâm cuộn lấy quanh người, như là một mối liên hệ vô hình giữa con chữ và hoài niệm. Những thăng trầm trong thời kỳ đất nước chuyển mình như một thấu kính lọc khiến cho những gì họ cảm nhận được sâu và đa chiều, nhiều âm vang.

Và khi những người ấy chịu mở miệng để kể cho chúng tôi về những câu chuyện của họ, đứa trẻ nào cũng phải "ồ" lên trong một sự tò mò pha chút ngưỡng mộ thành kính.

Như là ông nội tôi, ông Rạng, ông Luy, bà Mão, những người luống tuổi bán sách ở Đinh Lễ và bà bán sách trước cổng trường Nhân Văn ngày nào.
Previous
Next Post »

Bài đăng phổ biến