Tôi hồi 20

Tôi hồi 20

SIÊU ANH HÙNG GIẢI CỨU THẾ GIỚI


Cái này mình cứ viết rồi lại sửa rồi lại viết rồi lại sửa.
Kamejoko. 

Bất kì một đứa trẻ nào cũng có cho mình một hay nhiều siêu anh hùng thuở ấu thơ. Những anh hùng này thường sở hữu những phẩm chất độc nhất vô nhị hay những năng lực siêu nhiên mà chỉ mình anh ta hay cô ta mới có được. Phàm là siêu anh hùng thì đều mang trong mình trọng trách bảo vệ thế giới và là giấc mơ của hàng triệu triệu thiếu nhi trên trái địa cầu chật chội này.

Có khá nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra trên Internet xoay quanh việc siêu anh hùng xịn là phải như thế nào. Thế giới này đã và đang có quá nhiều anh hùng. Chưa tính đến đủ loại phim ảnh, nếu chỉ bàn riêng về sách truyên chúng ta đã có hàng chục hình thức để một đứa trẻ bước vào thế giới của các siêu nhân: Có đứa nuôi mộng anh hùng qua Marvel, DC, có đứa nghĩa khí giang hồ luyện Trung hoa kiếm hiệp chưởng, có đứa yêu thích sự hào hùng của những câu chuyện thần thoại Bắc Âu và Hy Lạp, có đứa thì rị mọ đến cận lồi mắt những bộ manga dày đặc chữ, hay gắn mình với những câu chuyện cổ tích Việt Nam… Cũng có những đứa như tôi, lượm lặt tấm vé bước vào thế giới của các siêu anh hùng từ những bản dịch lậu hỗn tạp và bất hủ của NXB Kim Đồng ngày còn thơ ấu.

Một người thầy của tôi từng bình luận về văn hóa tiếp cận anh hùng giữa trẻ em phương Tây và trẻ em Việt Nam như sau: Những anh hùng của nước ngoài toàn là kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân, tỉ phú,… tệ lắm thì cũng có một thằng sinh viên nghèo nhưng giỏi vãi tên Peter Parker. Tức là với phương Tây, anh hùng chủ yếu xuất phát từ tầng lớp trí thức tư sản, đóng góp nhiều trên xã hội với tư cách là công dân chứ không riêng gì tung chưởng ỳ xèo đánh quái vật. Điều này vô hình chung nuôi trong lòng những đứa trẻ phương Tây ước mơ học thức, kinh doanh làm giàu,… Trong khi đó những anh hùng Việt Nam thường thường lại xuất phát từ tầng lớp bần cố nông, nghèo kiết xác, vùng lên chống đối phú ông và vô tình trở nên giàu có, sau đó quay trở lại làm phú ông cho tập kế tiếp của một bộ truyện khác. Quan điểm tiền bạc gắn liền với sự bóc lột phần nào ảnh hưởng đến ý thức hệ của những đứa trẻ. Chả trách mà ở nước ta hiện nay, dân tỉ phú hầu như toàn là dân du học từ các nước Đông Âu về.

Đến đây lại là một câu chuyện tương đối vĩ mô. Chính vì vậy tôi xin phép không bàn thêm trong cái note này. Ước mơ mới là điều tôi muốn nói tới.

Tôi có từng nghe về một khảo sát nói đại thể rằng, hầu hết trẻ em đều từng mơ trở thành một siêu anh hùng. Còn nhớ ngày nhỏ tôi cũng một mình đẽo mấy cây kiếm từ đống gỗ thừa trong nhà, khoác thêm chiếc áo choàng siêu nhân đỏ chạy khắp xóm làm anh hùng. Những ngày ấy tôi bảo vệ thế giới đâu chừng vỏn vẹn mấy trăm mét vuông nhà. Ở trong đó nụ cười của mẹ là thứ đáng quý, những con vật nhỏ bé là người dân vô tội, mỗi chậu hoa, bể cá đều là báu vật không gì sánh được,…  Mỗi ngày “siêu anh hùng nhí” ra sức để bảo vệ những điều giản dị nhất, tự giải cứu thế giới quan vốn nhỏ bé nhưng đầy màu sắc của mình.

Nhưng càng lớn thì lại càng có nhiều thứ để phải bảo vệ. Giấc mơ siêu anh hùng bắt đầu dần dần bị thay thế bởi những nỗi lo khác. Đôi bàn tay nhỏ bé cố vươn ra cũng không thể ôm trọn mọi thứ. Tôi bắt đầu không bảo vệ nổi nụ cười của mẹ và ngôi nhà của mình. Năm 10 tuổi tôi nhận ra giải cứu thế giới không dành cho tất cả mọi người, và hẳn nhiên, không dành cho tôi.

Mất đi giấc mơ vì nhân loại hẳn nhiên là một sự đáng buồn. Tuy vậy tôi sẽ có một ví dụ chứng minh là cái gì cũng có 2 mặt của nó. Những đứa trẻ lớn ngồng vẫn còn giấc mơ tung chưởng cứu đời lại hóa ra thảm họa.

Năm tôi học cấp 2, thị trường giang hồ Buôn Mê bắt đầu loạn lạc (xin thề là tôi không hề phóng đại), các bang phái nổi lên khắp nơi. Chuyện đáng nói ở đây là lâu lâu các bang phái lại đánh nhau loạn xạ. Sau những cuộc ẩu đả kinh điển ấy thể nào cũng có máu chảy là ít nhất, thậm chí bạn có thể lên Youtube “BMT cạch rựa” hay các cụm từ tương tự thì sẽ đổ về đủ loại clip rợn người nhưng chưa có điều kiện phát tán vì internet thời này còn hạn chế. Đây là điển hình cho một hình thức giấc mơ anh hùng lệch lạc từ võ hiệp Trung hoa và một vài văn hóa chả biết từ đâu lại. Những siêu anh hùng lớn ngồng đầu chuyên đi dẹp loạn những kẻ mà chúng xác định là láo lếu, tự cho mình cái quyền quyết định “dạy dỗ” bạn đồng trang lứa và cứ mỗi lần làm được chiến tích nào đó là lại nghếch mặt lên trời khoe khoang về chiến tích của đời. Nhà trường không thể can thiệp vào chuyện của chúng tôi bởi "hảo hán thì không ăn bám chính quyền", đây là vấn đề về danh dự, các nhà báo và tâm lí học còn khướt mới hiểu được.

Tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện về thằng Tạo, bạn của tôi. Đó là một buổi trưa năm tôi học lớp 9, khi ấy chúng tôi đang đá banh ở quảng trường thành phố thì lũ siêu anh hùng phố núi kéo chừng 30 thằng qua quay bọn tôi lại như một lũ vịt vì can tội “xạo ***”. Ngay lúc nguy nan thì thằng Tạo, lúc ấy cũng là một anh hùng vô cùng nổi tiếng trong trường tôi lao ra can thiệp với một thái độ vô cùng bố đời. Lần đó ký ức cả chục thằng kéo rồng kéo rắn đuổi theo thằng Tạo quanh cái quảng trường, vừa chạy vừa liệng gạch như điên vào người nó đã hằn sâu vào kí ức tuổi thơ của tôi. Lúc chúng tôi lôi được thằng Tạo ra khỏi vòng chiến sự, trên người nó đã có tổng cộng 5 nhát dao vào lưng và đầu thì bê bết máu. Thằng Tạo phải vào viện. Hẳn nhiên là thằng Tạo được chúng tôi bầu làm anh hùng vì có công cứu giá, oách vô cùng tận. Có điều nó vẫn còn ngất ngất đến giờ và có một sự thực tôi kiểm chứng được là khi đưa nó vào viện mẹ nó đã khóc hết nước mắt.

Đến đây thì câu chuyện đã chuyển sang thời sự nên tôi cũng xin phép không bàn sâu thêm.

Bỏ qua chuyện những anh hùng sa ngã, tôi muốn nói rằng càng lớn thì thế giới càng rộng. Và trong một cái guồng quay lớn thì giấc mơ buộc phải thay đổi. Hoặc tiếp tục giữ để rồi trở thành những hảo hán chuyên môn đi xin bảo kê. Giấc mơ của kẻ trưởng thành phải cụ thể hơn, dễ đo lường hơn.

Trong bộ phim You are the apple of my eyes, chàng trai Kha Cảnh Đằng đã từng nói về giấc mơ của mình một cách ngạo mạn: “Mình muốn thế giới này vì mình mà thay đổi đi một chút”, rồi anh lại ngập ngừng trong đầu khi nhìn về cô bạn xinh đẹp Thẩm Giai Di: “Nhưng thế giới của mình là chính cậu mà thôi”. Ấy thế mà vừa lên đại học, chỉ vì một trận đánh nhau mà Cảnh Đằng sẵn sàng đá phăng “cả thế giới” của mình. Nhiều người chửi anh là ngu nhưng tôi nghĩ rằng, khi ấy Kha Cảnh Đằng đã có nhiều thứ để bảo vệ hơn là một người con gái. Khi người đàn ông bắt đầu có sự tự tôn dù là hão thì cũng là khi thế giới của anh phải thay đổi ít nhiều. Thế giới rộng lớn hơn nhiều một người con gái.

Chuyện tình yêu cũng là chuyện tôi không muốn bàn nhiều.

Cái tôi muốn nói ở đây là cũng đã có lúc tôi cảm giác mình có thể bảo vệ được thế giới, chí ít là thế giới được cá nhân hóa của chính lòng mình. Mà bảo vệ được thế giới tức là trở thành anh hùng. Vậy có nghĩa là khi lớn lên mình vẫn có thể - bằng một cách nào đó – trở thành một siêu anh hùng.

Sau một thời gian suy ngẫm thì tôi nghiệm ra rằng một anh hùng có trở nên vĩ đại hay không còn tùy vào việc thế giới trong mắt anh rộng lớn đến dường nào. Trong chuyến đi về Đồng Tháp hồi tháng 1, tôi có nghe câu chuyện trẻ con ở một vùng thuộc Lai Vung hiếm ai được cho học hết lớp 10. Quýt Lai Vung một Công (1/10ha) thu lại hàng tỷ đồng mỗi năm. Người nông dân chẳng có lí do gì để bỏ tiền ra cho con em mình ăn học trong khi rõ ràng ở nhà trồng quýt lời hơn rất nhiều. Từ những lí lẽ ấy, những đứa trẻ Lai Vung cứ mãi quanh quẩn trong những ngôi trường làng, lớn hơn chút thì bắt đầu ra vườn quýt và cứ thế cần mẫn làm ăn, chẳng cần biết đến thế giới phẳng ngoài kia ồn ào đến mức nào với những Tim Cook, Evan Spiegel, Mark Zukerberg,… đang làm mưa làm gió. Thế giới của họ không hẳn là nhàm chán. Một người nông dân trồng quýt được mùa, đủ để nuôi cả họ vốn đã xứng đáng là một anh hùng.

Ngược lại, Trong quá trình vật lộn giữa Sài Gòn, tôi đã gặp không ít những kiểu anh hùng khác. Họ nhìn thấy ý tưởng từ những xu hướng mới của thời đại toàn cầu hóa. Họ đứng dậy từ những giấc mơ vô cùng cụ thể và chiến đấu để bảo vệ đam mê của mình. Vô hình chung những con người ấy đều đạt được thành công, góp sức mình vào sự phát triển của đất nước, giúp thay đổi một khía cạnh nào đó của thế giới này, trở thành cảm hứng cho hàng ngàn những bạn trẻ khác… Cũng có những người đi khắp nơi, nhìn mọi chuyện, dùng ngòi bút của mình để bảo vệ những điều mà quyền lực và vũ lực không thể giải quyết được,... Tôi còn chưa bàn đến những giấc mơ về một Việt Nam giàu mạnh của những người có tuổi và thành đạt như Trương Gia Bình, Đặng Lê Nguyên Vũ, Đoàn Nguyên Đức, Phạm Nhật Vượng,… Đối với tôi những con người như vậy thực sự là những siêu anh hùng.

Cách đây 3 năm, tôi có được lựa chọn giữa việc chọn một con đường dễ đi quanh quẩn trong một thành phố nhỏ bé hay ra Sài Gòn lập nghiệp. Tôi chọn cho mình con đường tìm kiếm những điều to lớn, bon chen vào một cuộc sống vốn quá nhiều con người tài năng và nhịp sống nhanh đến ồn ã. Tôi không hối hận. Những điều đang xoay vần quanh trái đất này 365 ngày 6 giờ vẫn vùn vụt trôi vào đầu tôi từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Chúng mở con mắt tôi ra và nói vào tai tôi rằng thế giới của tôi còn nhỏ bé đến dường nào. Trong cái thế giới lớn ấy, tôi bắt đầu lại muốn tung hết sức ra cứu thế giới nhỏ của riêng mình với những điều đẹp đẽ xung quanh mà tôi cực kì trân trọng ngay giờ phút này. Để rồi một ngày nào đó tôi sẽ phất lên lá cờ của chiến binh An Nhiên khi làm được một điều gì đó anh hùng cho cái thế giới lớn vẫn còn quá nhiều vấn đề như thế này.

Nhưng đó cũng chỉ là nói suông chơi chơi nhân dịp đầu xuân lòng còn lâng lâng mơn mởn. Tôi luôn hiểu rằng mình yếu đến mức nào. Hôm qua khi xin nghỉ việc tôi đã nói với sếp của mình rằng: “Khi em giỏi em sẽ có quyền quyết định em cống hiến cho điều gì, còn bây giờ em chưa giỏi”. Buổi sáng đi nghe chuyện thực tập tôi lại bất ngờ cảm thấy hoang mang về những giấc mơ của mình. Còn 10 ngày để tôi quyết định con đường mới. Rồi bỗng chốc tôi chỉ muốn khoác lên mình tấm áo choàng siêu nhân, cầm lên cây kiếm gỗ và chém bay những thứ làm mình bận lòng.

Như hồi còn bé.

Thực ra chuyện thực tập cũng là chuyện tôi không muốn bàn ngay lúc này. 

Viết lộn xộn cho những điều suy nghĩ những ngày gần đây
Viết ở Sài Gòn.

Previous
Next Post »

Bài đăng phổ biến