Thầy Nguyễn Đức Thạch
đã nói với tôi như vậy, trong gian phòng học đơn sơ với những tấm ván gỗ sờn
của Thạch Gia Trang, giữa những bộ bàn ghế đã cũ xếp chồng lên nhau.
Lờ mờ làn khói thuốc Tiên lãng, thầy hề hà kể cho tôi và thằng bạn nghe về những chuyến đi. Thầy từng leo Fan đường Cát Cát chỉ trong 3 ngày 2 đêm, thầy là thầy giáo nghèo đầu tiên bước chân vào Sơn Đoòng, mang theo điếu cày, nghe bảo đó cũng là cái điếu cày đầu tiên, điều này thì cả Tây cũng phải phục. Ngay khi 2 đứa thanh niên chưa kịp ngậm mồm vào, thầy chốt vội: "Ban đầu tao cứ nghĩ mình đi là để tự hào, nhưng hóa ra đi rồi lại thấy nhục, nhiều người còn ghê gớm hơn mình nhiều".
Lờ mờ làn khói thuốc Tiên lãng, thầy hề hà kể cho tôi và thằng bạn nghe về những chuyến đi. Thầy từng leo Fan đường Cát Cát chỉ trong 3 ngày 2 đêm, thầy là thầy giáo nghèo đầu tiên bước chân vào Sơn Đoòng, mang theo điếu cày, nghe bảo đó cũng là cái điếu cày đầu tiên, điều này thì cả Tây cũng phải phục. Ngay khi 2 đứa thanh niên chưa kịp ngậm mồm vào, thầy chốt vội: "Ban đầu tao cứ nghĩ mình đi là để tự hào, nhưng hóa ra đi rồi lại thấy nhục, nhiều người còn ghê gớm hơn mình nhiều".
Đêm đó tôi táy máy ít
Tiên Lãng còn dư, ói một trận. Với đứa tự cao như tôi thì chưa gì đó cũng là
một nỗi nhục lớn rồi.
Tôi sinh ra là một đứa
tự ti, nhút nhát. Năm 13 tuổi, tôi bắt đầu cố gắng không ít để tự tin hơn vào
chính mình. Chặng hành trình đó quá dài để kể lể, chỉ biết rằng khi có được
những thứ nhất định, tôi lại bắt đầu trở nên kiêu ngạo và bất cần.
Dẫu vậy, cứ mỗi lúc sự
tự cao trong tôi vượt quá ngưỡng, đời lại ném tôi vào những chuyến đi như một
cách để tôi tự kìm hãm sự hiếu thắng và hạn hẹp trong suy nghĩ của mình.
Nếu tôi từng tự hào
khi nghĩ mình là một thủ lĩnh, thì Sài Gòn - chuyến đi lớn nhất đời - cho tôi
thấy rằng hóa ra mình chỉ là một hạt cát mờ nhạt giữa những cá thể có thực tài.
Nếu tôi từng nghĩ mình
đọc nhiều biết nhiều, thì Hà Nội cho tôi biết những lỗ hổng về kiến thức của
bản thân khi giữa một bàn ăn, tôi thậm chí không mở được mồm nói nửa lời để làm
ra vẻ hiểu biết.
Nếu tôi từng nghĩ mình
làm được nhiều thứ, thì những chuyến giao lưu dạy tôi tính khiêm nhường khi tôi
xấu hổ không biết nói gì khi phải giới thiệu bản thân, và đặc biệt là lần gần
đây ở Ninh Thuận, khi ngồi giữa những anh hùng quốc dân quần tụ lại Thạch gia.
Nếu tôi từng nghĩ mình
có sức vóc, thì Chư Yang Sin, Chứa Chan dạy tôi rằng mình chẳng bằng cái móng
chân của mấy anh bộ đội biên phòng.
Nếu tôi từng nghĩ mình
đi nhiều, thì 2 người chị tình cờ gặp được ở Huế cũng đủ cho tôi biết rằng
những nơi mình đã đi qua chẳng là gì trong bản đồ của những con người thực sự
yêu xê dịch.
Nhưng tôi không lấy
làm buồn vì chuyện ấy.
Thực ra, nói không
buồn thì cũng là nói dối, nhưng ít ra tôi vẫn còn cảm thấy an ủi với suy nghĩ
rằng: mỗi chuyến hành trình, tôi lại gặp được những người giỏi đến mức khiến
tôi phải tự nhắc mình cố gắng không ngừng để không bị dậm chân tại chỗ, đó đã
là đặc ân rồi.
Năm ngoái ra Hà Nội,
tôi cùng một anh ngồi lại để vẽ business model cho một người anh khác. Khi
chúng tôi hỏi về giá trị cốt lõi của thương hiệu, người anh có dự án nói rằng
đó là mối quan hệ và cảm hứng, anh còn lại lắc đầu: “Cảm hứng không phải là thứ
người ta bỏ tiền ra để mua”. Khi ấy tôi đồng tình, nhưng giờ tôi lại thấy sai.
Bởi suy cho cùng rất nhiều người bỏ tiền ra để trải nghiệm, một trong những thứ
họ muốn nhận lại là cảm hứng. Giống như bản thân tôi chọn chạy lung tung, tốn
một mớ tiền, rốt cuộc cũng chỉ là vì cảm hứng.
Những ngày cận Tết,
tôi ghé lại Phan Rang và Nha Trang để gặp một vài người trước khi về quê. Và
thực sự đó là những buổi gặp gỡ cho tôi rất nhiều cảm hứng. Ở Phan Rang tôi
được gặp thầy Thạch và những bạn trẻ tài giỏi của Thạch Gia Trang, còn Nha
Trang tôi có dịp trò chuyện với một người anh với những câu chuyện khiến tôi
hỏi lại mình về "tầm nhìn dài hạn". Câu hỏi 5 năm nữa mình là ai nghe
thì dễ chém nhưng nghĩ nghiêm túc thì hóa ra lại rất khó trả lời.
Tôi nhận ra rằng mình
vẫn còn là một đứa yếu đuối và có nhiều hạn chế. Nhưng cần cù bù thông minh, đi
đây đi đó để học hỏi là con đường tuyệt vời để trưởng thành. Tôi vẫn còn những
giấc mơ lớn, nhưng cứ mãi vùi đầu vào những guồng quay của cuộc sống biết đâu
được lúc nào tôi mất khả năng mơ.
Hôm nọ cô em mới quen
tổ chức buổi hội thảo về chuyện đi hoang, mời tôi đến nói chuyện. Tôi bảo rằng
mình đi để tìm sự an toàn trong xê dịch. Cô bạn thân nghe kể nói rằng sến quá,
tôi cười, nhưng thâm tâm tôi nghĩ rằng biết mình đang chuyển động cũng là một
cách trấn an bản thân trước sự trì trệ. Mà không chỉ có chuyến đi của mình dạy
được mình, nghe về những chuyến đi của người khác, tự tôi cũng cảm giác được sự
vận động, cũng đúc rút được nhiều điều.
Năm nay tôi có nhiều
người bạn sẽ đi. Có người đi nước ngoài, có người đi khắp nơi để làm ăn, có
người ấp ủ phượt dọc chiều dài đất nước. Tôi chỉ mong rằng những người bạn ấy
có thể hoàn thành chuyến đi, và đến khi về họ sẽ kể tôi nghe những điều hay ho
mà họ đã học được.
Còn tôi, đến giờ, vẫn
có một giấc mơ là được đi nhiều nơi lạ hơn, xa hơn, để học hỏi, để lắng nghe,
và biết đâu nếu may mắn, là để nhục.
P/S: Sếp tôi có bảo là
thanh niên chúng mày toàn viết những thứ suy tư lắm chữ nghĩa mà không chịu
nghĩ thực tế, cái này tôi cũng nhận. Vậy nên đây (có lẽ) sẽ là lần cuối tôi
viết về những điều mang tính tự cổ vũ bản thân kiểu này