Tôi hồi 20

Tôi hồi 20

NHẬU CÓ TRÁCH NHIỆM



Mấy hôm trước ông bạn tôi về nhà giữa đêm với cái cravat buộc lên đầu, vợ bảo chả hiểu lão ấy sao còn buộc nổi nên đầu mấy thứ này, giá buộc cổ luôn thì vợ con đỡ khổ. “Cứ đến mùa này là lão ấy đi liên miên, và ngày nào về cũng phải gọi là bí tỉ”.

Nói chung, cái thời buổi hiện nay, chuyện ăn nhậu đã trở thành phổ biến như chuyện thường ngày ở phố huyện. Ly bia là rìa câu chuyện, muốn tâm tình, tán tỉnh, giải lao, làm ăn gì thì cứ lên bàn nhậu rồi mình tính. Căn bản đàn ông lẽ sống có rượu làm vui, cớ sao chị em lại khó chịu?

Thực ra, nếu nhậu lai rai, chém gió sự đời thì chẳng thiệt ai, thậm chí còn đẹp da, tốt cho tim mạch, ai cẩm cản làm gì cho cam. Ấy nhưng mà đàn ông nước mình cái gì cũng thích “hết mình”. Cứ vào tiệc vui bao nhiêu, tay bắt mặt mừng, chào mời hoành tráng thì lúc tàn cuộc thì trông ai cũng mềm như cọng bún.

Cái say nghiệt ngã vô ngần, nó không chừa một ai từ anh nông dân ngày ngày cưỡi xe bò ra ruộng tới ông quan lớn cưỡi Mercedes ra phố. Tất nhiên, nếu anh nông dân lỡ say lao xe xuống rạch thì cũng chả sao chứ ông quan mà lao Mercedes vào con lươn đường thì chắc gay go lớn.

Say vào thì lầy lội, mất kiểm soát, nói năng linh tinh. Rồi liệng xiệng về nhà làm khổ gia đình. Đôi khi sáng dậy thấy mình mất tất cả chỉ vì chè chén quá lứa. Khi đó thì cuộc vui có còn vui nữa không?

Tôi có người chị kể chuyện mới đi đám ma người quen. Ông anh họ của chị mới 45 mà đã chết vì ung thư gan, để lại vợ và 2 đứa con mới tuổi dậy thì. Nghe kể thuở sinh thời, y được vài mẫu vườn tược tổ tiên để lại nên tha hồ mà chè chén, việc nhà để vợ lo, người gầy đét và khô quắt. Đau thương ở đây là đứa con trai thứ 2 về sau cũng chết vì say rượu mà đâm xe vào cột điện.

Người quen của tôi cũng từng có một lần nhậu say về nghịch với đứa con gái 3 tháng. Lỡ ngà ngà ném con bé lên trời rồi hoa mắt chụp không được.  Cái đau của người còn sống cũng chẳng đủ để đem ra bù cho vài ly rượu quá lứa.

Tôi cũng là dân nhậu. Tôi hiểu cảm giác cứ lâu lâu nhạt mồm là lại muốn móc điện thoại ra lôi vài cánh bạn bè mà chè chén cho… vui. Đôi khi chẳng phải vì thèm cái vị bia đắng ngắt mà vì nhớ cảm giác vui vầy cùng bằng hữu, chơi những trò đếm bò, quay chai, hả họng ném lạc rang vào mồm mà cười phớ lớ, mặc kệ đi cái vẻ đạo mạo đầy áp lực thường ngày. Tàn tiệc, anh em lại trà dư tửu hậu, bàn chuyện con ruồi, hoa hậu, khủng bố, tiền tệ, rồi úp-đết chuyện đời, chuyện người,… 

Nhưng dù sao, cuộc vui phải có điểm dừng thì mới trọn vẹn được. Lai rai vài 3 ly đủ để ngà ngà thôi, đủ để ngân nga vài 3 câu ca không ngại lạc giọng, đủ để rũ bớt cái vẻ trịnh trọng ngày thường, Còn có nhất thiết phải “dần” nhau cho đến bí tỉ để chứng tỏ bản lĩnh đàn ông hay không? Mà cho dù có chứng tỏ được thì lúc rời bàn liểng xiểng xiêu vẹo, đâm chỗ này ói chỗ kia, đàn ông cái khỉ gì nữa?
Một lần tôi đi nhậu, có bạn gái đi cùng. Hôm đó có ông bạn làm kiểm lâm nên tấp rượu liên tục. Tính mình sảng khoải nên làm tới. Đến khi về thì chẳng còn biết trời trăng gì nữa. Hôm sau người yêu tôi nói nhẹ nhàng: Từ sau mình không hôn nhau nữa, nhìn môi anh lại nhớ đến cảnh anh ói, chẳng thấy lãng mạn gì.

Ngoài kia, có bao nhiêu đứa trẻ được sinh ra và mang theo di chứng tổn thương do bia rượu từ bố mẹ, có bao nhiêu vụ vợ chồng đánh đập nhau,ngoài đường đâm chém nhau,soi mói nhau,lợi dụng chà đạp nhau, bao gia đình ly tán ,bao tổn thương bao chết chóc ...

Thôi các đấng yêng hùng ạ, uống vui là chính, đừng hô khẩu hiệu “không say không về”, đừng ép uổng người không biết uống, đừng lôi bản lĩnh đàn ông ra đặt trên bàn nhậu, đừng biến mình thành con quái vật chỉ vì vài món đồ uống có cồn.


“Ăn nhậu văn minh thì gia đình hòa thuận”, hãy cứng trên bàn nhậu, hô vang khẩu hiệu uống vừa phải, chơi hết mình. Đừng để cuộc vui trở thành kỉ niệm buồn. Đàn ông chuẩn là người cuối cùng rời khỏi cuộc vui mà không phải đi 2 hàng. 
Previous
Next Post »

Bài đăng phổ biến