Bài cũng cũ rồi, tôi viết nhân 20/10
Bếp lửa – hay nói
cách khác là biểu tượng của bữa ăn gia đình quay quần, là một điều mà những người
chồng nhất định không được quen mặc cho những bộn bề của cuộc sống hiện đại.
Trong MV ca khúc mới (thực ra cũng không mới lắm) của “nữ hoàng nhạc buồn” Adele –
Hello - tôi thích nhất một chi tiết. Đó là hình ảnh chiếc bếp lửa bừng sáng
trong một không gian phủ đầy bụi và tăm tối.
Bếp lửa, trong một gia đình, là tượng trưng cho ánh sáng, là
dấu hiệu để nhận biết nhà đang có người, là hình ảnh chứng tỏ rằng gia đình vẫn
đang có một mối liên hệ mật thiết với nhau.
Tôi đã từng kể câu chuyện của một người chị nhân ngày 20/10,
khi nhận được một lẵng hoa nồng thắm từ
đức lang quân, chị chỉ cười buồn và nói: “Một năm được một ngày thôi chú ạ, còn
bình thường vợ chồng đâu có mấy bữa được ăn với nhau”. Rõ ràng, chiếc bếp lửa
nguội tàn và những bữa ăn thưa thớt là báo hiệu cho một điều không ổn cho một mối
quan hệ hôn nhân hay gia đình.
Trong tập tục ngày xưa, người phụ nữ trong nhà luôn luôn nắm
một vai trò quan trọng, đó là người “giữ cho bếp lửa luôn sáng”, cho những người
chồng ngày ngày đi làm lụng vẫn gắng đến giờ cơm về nhà ăn bữa quây quần. Nhưng
bữa cơm gia đình tưởng như nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng lại chính là nơi gắn
kết các thành viên, là nơi giữ “lửa” hạnh phúc gia đình.
Trong nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại, con người có
ít cơ hội hơn cho những bữa cơm gia đình. Đặc biệt bè phái đàn ông thì tan tầm
phải đi nhậu để còn lấy quan hệ, mà giờ xã hội cũng dễ dãi hơn nhiều nên hơi tí
là có biểu hiện chán cơm thèm phở, đi lung tung, đến khi nhận ra thì cái bếp
nhà đã nguội ngắt và gia đình cũng từ đó mà tan hoang.
Giáo sư Từ Giấy có nói “Sự
tan rã của gia đình thường bắt đầu từ sự tan rã của bữa ăn gia đình truyền thống”.
Quá trình đô thị hóa với những lợi ích thiết thực dễ làm mọi người quên đi nhiều
giá trị truyền thống, trong đó có bữa cơm gia đình. Bữa cơm gia đình đâu chỉ
đơn giản là một bữa ăn cung cấp năng lượng cho cơ thể, mà đó còn là nơi gắn kết
quan trọng của các thành viên trong gia đình, thể hiện văn hóa truyền thống của
một gia đình, của một đất nước.
Tôi không muốn gắn mình quá chặt vào những lời to tát, nhưng
thực tế ở các nước Á Đông những câu chuyện chia sẻ giữa người với người đóng một
vai trò vô cùng quan trọng trong những mối quan hệ. Nếu như chuyện công việc để
các bố nói trên bàn nhậu, thì những câu chuyện tủn mủn giữa những thành viên
trong gia đình chỉ có thể chia sẻ qua những bữa cơm nhà.
Một trong những người thầy dạy Tiếng Anh của tôi là người Mỹ,
ông đem lòng yêu một cô gái người Việt và quyết tâm sống lại ở cái xứ (theo ông
nói) chật hẹp này. Năm tôi theo học một lớp của ông ở trung tâm cũng là lúc ông
mới làm bán thời gian cho một công ty Design nổi tiếng với cương bị Art
Creator. Công việc của ông lúc nào cũng một núi nhưng cứ 8h đúng là ông sẽ lật
đật chạy về nhà, mặc cho file Ai chưa xuất xong hay bạn bè cù rủ đi nhậu. Ông
nói đơn giản: “Tao đành rằng là phải về trễ rồi nhưng nhất định không bỏ bữa
cơm nhà đâu, vợ tao đang đợi, ai biết ngày hôm nay cô ấy có chuyện gì hay
không”.
Vợ chồng ông hạnh phúc được 5 năm rồi chị kia mất, ông cũng
về Mỹ và tôi chẳng còn cơ hội gặp lại nữa, còn nhớ sau khi vợ mất được nửa năm
tôi có gặp ông, ông bảo: “Tao thật nó (vợ) speaking tao chấm chưa được 5đ,
nhưng mà nhờ mấy bữa cơm với nhau tao mới hiểu được nó nói gì”.
Bạn bè tôi sau này nhiều người cưới nhau, tôi vẫn hay hỏi:
“Cái bếp nhà tụi mày bao lâu thì bật một lần”, và cười nhẹ trước những câu trả
lời đại loại như: “vợ chồng tao toàn ăn tiệm”. Câu chuyện của người thầy vẫn
làm tôi nhớ mãi, và từ sau khi xem MV bài Hello, tôi lại tưởng tượng ngày nào
đó ông sẽ tình cờ về lại ngôi nhà 2 người từng thuê với nhau, phủi lớp bụi dày
trên cửa sổ, bật bếp lửa và nói:
“Hello”.
P/S: Đùa chứ căn nhà
đó có một gã doanh nhân mua đứt rồi.