Tôi hồi 20

Tôi hồi 20

HỌC

Câu chuyện về sự học




Mấy hôm rồi tôi đi uống café với một thằng bạn thân lâu rồi không gặp, nó kể cho tôi nghe chuyện cô bạn ngày cũ giờ bỏ học cưới một người hơn chục tuổi, rồi về Đak Nông làm cà phê với cái thai đã hơn ba tháng, bỏ lại hết tuổi xuân với những hoài bão chia sẻ ngày đó. 

Ngay thằng bạn tôi cũng đang tính dừng lại sự học ở một trường hạng ba, về quên làm gỗ để kiếm tiền trang trải và gây dựng sự nghiệp. Nó nói rằng đàn ông ở đời mà không làm nên trò trống gì thì thật không đáng mặt, còn cứ tiếp tục học thì nó cũng chẳng biết rồi mình sẽ thành thứ gì

Tôi chợt nhớ đến hôm sinh nhật 4 năm của công ty, khi nghe anh Phong bên Windmills chia sẻ về câu chuyện của mình, một cậu bạn đứng bên cạnh tôi liền run lên phấn khích, cậu nói rằng những lời anh chia sẻ thật dúng ý cậu, bởi cậu cũng đang có ý định đặt dấu chấm hết cho sự học của mình, có điều chưa tìm ra cách thuyết phục được cha mẹ. Rất nhiều bạn hôm đó cũng chia sẻ với tôi về sự phân vân của mình trên con đường học hành. Bỏ học, cái ý nghĩ đó tôi cam đoan là đã lướt qua đầu rất nhiều bạn.

Cũng đúng thôi, ta vẫn thường hay nghe những giai thoại về những con người khổng lồ, thành công trong cuộc sống nhưng thất bại trên con đường học hành, hay đúng hơn là họ lựa chọn sự thất bại. Tất cả họ đều là những cột mốc vĩ đại trong lĩnh vực của mình. Ví dụ như Steve Jobs, CEO của Apple, bỏ trường cao đẳng Reed chỉ sau vỏn vẹn một học kì; Bill Gates, thẳng thừng kết thúc việc học ở Harvard, thành lập ra Microsoft; Larry Ellison, bỏ học thành lập Oracle,… rồi đến những doanh nhân nổi tiếng của ta như Đặng Lê Nguyên Vũ của Trung Nguyên, bầu Đức,.. đều thành công mà chẳng cần học đại học .

Ta cũng ý thức được một điều rõ ràng rằng, hệ thống giáo dục khuôn phép và giáo điều, đặc biệt ở nước ta, nồng nặc một sự gò bó và lạc hậu, và những kiến thức trong trường thực ra chẳng giúp được gì nhiều cho công việc của ta sau này. Những câu chuyện dở khóc dở cười như việc sinh viên Kiến trúc làm đồ án thiết kế mang tầm cỡ quốc tế để rồi ra trường đi làm những ngôi nhà cấp 4 hay chuyện sinh viên Công nghệ thông tin tốt nghiệp bằng những phần mềm viết ra cho các công ty lớn để rồi tốt nghiệp xong mở tiệm cài win dạo, hay kinh điển hơn là chuyện sinh viên Ngoại thương mở trà chanh lập nghiệp,…  xuất hiện thường xuyên, và được đưa vào làm dẫn chứng của hàng trăm tờ báo, vô hình chung khiến ta cảm thấy nghi ngại về con đường mình đã chọn.

Hơn thế nữa, đâu có nhiều bạn học được đúng trường, đúng nghành, đúng chuyên môn mà mình thích. Điều đó có thể do gia đình, do khả năng, hoặc cũng có thể do lĩnh vực bạn thích chẳng có trường nào đào tạo, hoặc tệ hơn là bạn chẳng biết mình thích điều gì. Học, mà không biết để làm gì, khiến cho con người ta phân vân và chán nản.

Nhưng trước khi bạn đập bàn và quyết định nói không với việc học, có một điều tôi muốn bật mí cho bạn, đó là sau khi bỏ học ở trường cao đẳng Reed, Steve Jobs vẫn tiếp tục dự thính các khóa học, trong đó có một khóa học… viết chữ đẹp, sau này ông chia sẻ là chính từ khóa học đó mà Mac mới có được nhưng phông chữ cân xứng và đều đẹp đến như vậy. Ngay cả Bill Gates, Albert Enstein, Larry Ellison,… sau khi bỏ học trên trường cũng miệt mài với sự học của riêng mình mới làm được những điều to lớn đến vậy

Và chúng ta cũng phải công nhận rằng, có những người thành công vượt bậc cùng với sự học của mình. Đó là những nhà học giả như Euclide, Euler, … giáo sư Ngô Bảo Châu,.. hay những người ta chẳng lạ lùng gì như Adam Khoo, Nguyễn Hữu Trí,.. cũng đều đi đến cùng với sự học của mình đạt được những thành tựu không thể chối cãi.

Ta cũng có thể nhìn vào thực tế rằng có không ít những con người bỏ qua việc học hành nhưng thành công chói lọi, để rồi đánh mất tất cả vào bia rượu, cần sa và những scandal. Những tên tuổi ấy có thể kể ra như Michael Jackson, Mike Tyson,  Macaulay Culkin – diễn viên chính của bộ phim “Ở nhà một mình”,… Và bạn biết không? Số lượng những con người thành công mà không cần đến việc học chỉ chiếm khoảng chừng 10% dân số trên thế giới, vậy 90% những người còn lại có ai thành công không?

Có một câu nói rất hay đại ý rằng “Từ bỏ là một lựa chọn, và nhiều người chọn nó vì nó dễ”. Học rất khó, tôi phải công nhận, bỏ học thì lại dễ. Nhưng những hệ lụy kéo theo sau nó chẳng hề nhỏ một chút nào, chính vì vậy phải cẩn trọng, và phải biết rất rõ mình phải làm gì, mình muốn làm gì. Như khi tôi hỏi cậu bạn rằng vậy nếu bây giờ bỏ học về quê, rồi cậu sẽ thành thứ gì? Cậu chỉ cúi đầu im lặng, rất nhiều bạn khi tôi hỏi vậy bỏ học rồi sẽ làm gì, cũng ậm ừ hay trả lời cho qua chuyện.

Cái tôi muốn nói ở đây không phải là chuyện nên hay không nên bỏ học, mà là chuyện chúng ta cần phải lựa chọn thật chắc chắn con đường của mình, đừng thấy người khác làm được là mình cũng hăm hở lao vào. Có đôi khi ta nghĩ mình là quyết đoán đấy, nhưng thực ra ta chỉ đang bao biện cho sự trốn chạy của mình mà thôi.
Hãy tưởng tượng việc ban đi học cũng như việc bạn đang men theo một con đường mòn ngoằn ngoèo lên đến đỉnh núi của danh vọng, 2 bên bạn là rừng rậm um tùm và đầy nguy hiểm, nhưng đó lại là lối tắt. Bạn có thể lựa chọn đi hết con đường ấy một cách chậm rãi và chắc chắn, nhưng cũng có thể rẽ tắt bằng cách băng sang khu rừng khi đã chuẩn bị đầy đủ tất cả kiến thức cũng như bảo hộ, và quan trọng nhất là một cái la bàn, bằng không bạn sẽ rất dễ lạc lối để rồi đi luẩn quẩn trong khu rừng đen tối và rập rạp. Và chỉ khi nào thật quyết tâm thì hãy bắt đầu con đường ấy, vì nó khó khăn hơn gấp mười lần con đường mòn kia, còn nếu không, hãy tiếp tục con đường an toàn, ít ra là cho đến khi bạn tìm được một ngã rẽ phù hợp hơn với mình.

Như cậu bạn và cô bạn của tôi, tôi vẫn nghĩ họ có đôi chút vội vàng, nhưng biết đâu đó lại mang đến thành công cho họ, và biết đâu đó lại là cách phù hợp nhất với thiên hướng của họ thì sao? Nhưng riêng tôi, vì tôi vẫn chưa chuẩn bị đủ tinh thần và cũng chưa thực sự có được quyết tâm để đi đường tắt, nên tôi sẽ tiếp tục đi con đường mòn xa xôi, nhưng là với sự quyết liệt và mạnh mẽ nhất mình có được.

Thành công không đến với những người chỉ miệt mài học, nhưng nó cũng không đến với những người chơi vơi giữa cuộc sống và chờ đợi một cơ hội nó đó trên trời rơi xuống, bởi ngay cả khi nó thực sự rơi xuống họ, họ cũng không nhận ra và để tuột mất nó”  (Minh Nhật)
- An Nhiên -


Previous
Next Post »

Bài đăng phổ biến