Hôm vừa rồi tôi có đọc một bài báo mang tên là “Khi người ta
nghi ngờ cả nước mắt”, nó nói về những giọt nước mắt ngày đưa tang tướng Giáp với
một thái độ tôn trọng và thành kính, bởi theo tác giả thì đó là những điều đáng
quý còn sót lại, vậy cớ chi ta lại phải nghi ngờ? điều này khiến tôi cũng có một
chút gì đó giật mình chột dạ. Bởi lẽ chính tôi, khi vừa nhìn vào những giọt nước mắt ấy, cũng cảm
thấy có chút gì ngờ vực dâng lên trong lòng.
Nhắc một chút đến chuyện quốc tang, tôi may mắn có được bà nội
từng tham gia trong ban tuyên giáo của Đảng Ủy ngày trước nên được xem lại những
hình ảnh của quốc tang xưa khi Hồ chủ tịch ra đi, những hình ảnh trắng đen làm
con người ta rùng mình. Việt Nam những ngày này mang chung một bầu không gian ảo
não, tất cả mọi thứ như đều dừng lại, chỉ có nhịp thở của con người là như dần
lên ngôi. Tôi như thấm được những cái thở dài buồn bã của những vị chiến binh
lão thành, tiếng khóc rả rích của người dân dành cho vị lãnh tụ kính yêu của
dân tộc. Những ngày đó, con người có chung một cảm xúc, một tấm lòng, và mọi thứ
hoạt động cũng theo đó mà dừng lại, phố phường hòa mình vào niềm tiếc thương vô
hạn.
Bốn mươi bốn năm qua đi, tôi lại được tận mắt chiêm ngưỡng
người ta hành cử quốc tang tưởng nhớ Võ Nguyên Giáp, người học trò cuối cùng của
Hồ Chủ Tịch, nhưng trong một bầu không khí hoàn toàn khác. Ở nơi tôi sống, mọi
hoạt động vẫn diễn ra gần như bình thường, chỉ có vài quán bar đóng cửa, vài sự
kiện bị dời thời gian, vài giọt nước mắt tiếc thương mang nỗi niềm thành kính.
Nhưng nhìn chung, mọi người vẫn tất bật với công việc của riêng mình, đường phố
vẫn mang nhịp điệu thông thường của nó, có chăng là chậm hơn đôi ba nhịp so với
thường lệ, và những tiếc thương ấy lại được mọi người chuyển lên những avatar,
những status, những fanpage – những thứ mà với tôi, sáo rỗng và vô hồn.
Quay lại chuyện những giọt nước mắt, tôi nghi ngại, và tôi
biết cũng như tôi, nhiều người đặt dấu chấm hỏi cho những giọt lệ tiếc thương ấy.
Bởi họ có quá nhiều điều giả tạo có thể ẩn sau lưng một giọt nước mắt, nó có thể
xuất phát từ một bộ máy truyền thông của một ca sĩ nào đó, có thể xuất phát từ
một mục đích thương mại của một anh phóng viên nhiệt tình, một tòa soạn hăng
say đưa tin mong tranh đua được với đối thủ, hay thậm chí là một gã tráo trở
qua những cái page triệu like quy đổi ra được thành tiền mặt, hay chỉ đơn giản
là một giọt nước mắt cá sấu vô tình để thu hút sự chú ý. Quá nhiều thứ để ta trở
nên đa nghi và khép mình.
Và tôi bỗng nhận ra, từ một lúc nào đó, con người không còn
có chung một cảm xúc được nữa, ta dần đánh mất đi niềm tin vào chính những người
xung quanh mình, đánh mất niềm tin vào những gì nguyên sơ và đẹp đẽ. Ta khép
mình lại với cuộc sống, nhưng lại tìm cách thể hiện cái tôi lên bàn phím ảo, bởi
đó là nơi ta không sợ bị phản bội, bị phán xét, ta hồn nhiên đánh giá và bày tỏ,
và vô hình chung ta lại làm tổn thương những cuộc sống thật, rồi từ đó làm tổn
thương cảm xúc của chính mình.
Đã bao lâu rồi ta bước ra đường nhìn thấy một mảnh đời khốn
khó, nhưng chỉ lắc đầu xua tay rồi lại tập trung vào những câu chuyện của mình.
Cảm xúc trong ta chỉ dừng ở một khoảnh khắc, rồi nó nhanh chóng bị lấp đầy bởi
những cuộc bàn luận, và ta chẳng thèm liếc lại một giây những con người ấy, để
mặc họ tiếp tục lang thang. Tôi đã gặp không biết bao nhiêu câu chuyện giở khóc
giở cười, khi những tấm lòng bị cho là giả tạo, và những sự giả tạo lại được
tôn vinh. Rồi khi những sự thật đó bị phanh phui ta lại càng thêm mất niềm tin
vào cuộc đời.
Sáng hôm thứ 7 vừa rồi, tôi đi cùng một nhóm bạn thăm nhà của
một bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà lạnh lùng và trơ trọi gỗ đá. Cái thái độ thờ ơ ấy
khiến đám chúng tôi tất thảy đều cảm thấy hành động của mình thật vô nghĩa và
ngốc nghếch, cho đến khi chị chủ nhiệm ngồi lại và nói chuyện với bà, một cách
kiên nhẫn và chân thành. Để rồi, trong sự ngạc nhiên của từng đứa, từng chút từng
chút một khuôn mặt nhăn nheo tạo thành những nụ cười, và tim tôi như giật lại
khi thoáng thấy những giọt nước mắt long lanh, tô điểm cho những câu chuyện xưa
cũ, cơ cực và hào hùng. Tôi biết chắc rằng, giọt nước mắt ấy là thật, cảm xúc ấy
cũng là thật, và những con người xung quanh tôi lúc ấy, cũng đang sống thật.
Đó chính là điều tôi nghiệm ra được trong buổi sáng hôm đó.
Cho đi, và nhận lại. Chỉ khi ta mở rộng lòng mình, ta mới có thể thấu hiểu và
tin tưởng, để rồi nhận được những món quà diệu kì. Còn nếu chỉ khép lòng mình,
hay nguy hiểm hơn là chỉ nhìn cuộc sống qua màn hình máy tính, rồi sẽ có lúc ta
không phân biệt đâu là thực và đâu là giả dối, và ta lại càng trở nên khó tính,
hà khắc và phán xét.
Lời khuyên ở đây, từ một đứa đầy hoài nghi và khó tính, là
hãy ra ngoài đi, bố thí cho một người hành khất, quyên góp cho một chiến dịch
tình nguyện, trồng một ít cây xanh, làm một ít việc tốt. Và đừng lo rằng những
việc ấy chỉ là vô nghĩa, hãy luôn nhớ rằng nếu mình làm từ cái tâm, thì điều đó
luôn mang lại niềm vui cho mình. Còn nếu chỉ mãi nhìn vào những tiêu cực và
phán xét, rồi sẽ có lúc ta chẳng còn tin vào bất cứ điều gì nữa.
Như những giọt nước mắt kia, chỉ khi bạn cũng khóc, bạn mới
tin nó là có thật.
- An Nhiên -