Tôi hồi 20

Tôi hồi 20

ẤU THƠ

an-nhien

Ấu thơ trong bạn là gì?

1/6 năm nay là năm đầu tiên tôi ở Sài Gòn, nó kích thích nỗi nhớ khiến tôi phải lục lọi đầu óc về quãng thời gian thơ dại của mình. Sài Gòn lớn quá, nhiều đèn quá, và mỗi lần đứng giữa những tòa nhà chọc trời, tôi lại cảm thấy mình nhỏ bé đến lạ. Nhưng cái cảm giác đó không khiến tôi thu mình lại giữa những đồ sộ của kiến trúc hay xô bồ của dòng tâm tưởng mà nó lại như một động lực để tôi vươn mình lớn hơn, mạnh hơn, ra xa hơn bên ngoài thế giới của mình.

Cái thế giới của tôi bắt đầu hình thành khi tôi mới vừa tròn 3 tháng tuổi. Nó là những ngày rong ruổi cùng ông nội trên chiếc nôi nhỏ đi khắp những con đường trong thành phố. Đến giờ này, đôi lúc trong đời, tôi vẫn còn mơ màng đến giọng ông vang vang dưới ánh nắng vàng rực rỡ len lỏi qua cái ô nhiều màu “đây là đường Hùng Vương”, “đây là đường… “, những kỉ niệm ấy chẳng có gì rõ ràng, thậm chí đôi khi tôi còn ngờ vực đó chỉ là những liên tưởng mơ hồ của đứa trẻ ngày nào khi nghe những câu chuyện bà và mẹ kể lại. Nhưng có một điều mà tôi dám chắc, đó là tôi đã đi những đoạn đường đầu tiên trong đời mình dưới sự bảo bọc và dẫn dắt của ông. Và đó chính là thế giới đầu tiên của tôi, là Buôn Ma Thuột dấu yêu với những cung đường-không-rõ-ràng.


Rồi tôi lớn dần, nhưng thế giới của tôi lại theo đó mà bị thu hẹp . Tôi bắt đầu quên đi những cái tên đường của ông nội, hay đúng hơn là tôi chẳng bao giờ nhớ được chúng. Thời còn nhỏ tôi đau ốm liên miên, và đó chính là lí do mà chẳng mấy khi tôi có dịp được đi chơi đây đó. Trước khi bước vào tiểu học, đường Hùng Vương và cái ngã sáu – trung tâm thành phố là tất cả những gì mà tôi biết và thâu vào thế giới quan của mình. Nhưng không phải vì thế mà cuộc sống tôi tẻ nhạt, tôi đã có một quãng thời gian ấu thơ đúng nghĩa với những trò trèo cây, hái mắt cá, chơi những trò ma lon, đánh gậy với lũ trẻ quanh nhà. Nhưng những điều đó cũng kết thúc khi tôi bước vào lớp 1.

Vào lớp 1, tôi chuyển sang nhà mới, không hàng xóm, mất bạn bè. Và thế giới của tôi chỉ còn là một con đường lớn mà dưới con mắt cậu bé gầy ốm hồi đó, dài đến vô tận.

Tôi không thích đi chơi, vì tôi chẳng biết đi xe đạp. Mà cũng vì chẳng có ai tập cho, chẳng có người nào tập cùng nên tôi không muốn tập. Còn nhớ thời gian đầu khi chuyển qua nhà mới, tôi chỉ ru rú trong nhà, đôi lúc thì kêu mẹ cõng ra ngoài Ngã Sáu chơi, nhưng càng lúc tôi càng nặng (theo đúng nghĩa đen), mẹ thì còn phải trông đứa em nhỏ hơn 4 tuổi, nên tôi lại một mình.

Nhưng tôi vẫn có một điểm may mắn hơn nhiều đứa trẻ khác. Đó là nhà tôi có 2 tủ đầy ắp sách. Một của ông, và một của bố. Và tôi cứ thế vùi đầu vào những trang sách. Tôi đọc đủ thể loại, từ những truyện dân gian trào phúng như Ba Giai Tú Xuất, trạng Quỳnh,. cho tới những bộ kiếm hiệp dày cộm của Kim Dung, Cổ Long, rồi sau đó là cả những tiểu thuyết kinh điển của thế giới, bắt đầu là với Sherlock Homes, và còn nhiều thật nhiều sách nữa. Tất nhiên trong số đó, truyện tranh là thứ không thể thiếu, hồi nhỏ tôi ghiền Conan, Doremon, Thần đồng đất Việt, Bảy viên ngọc rồng, Vua trò chơi… và đặc biệt là bộ Dấu ấn rồng thiêng, tôi thích mê hình ảnh những anh hùng nhỏ bé có trong người sức mạnh to lớn và đi cứu thế giới, tất nhiên là lúc ấy tôi vẫn chưa định hình được thế nào là cá tính, thế nào là cốt truyện nhưng những truyện đó phần nào thỏa mãn ấu thơ trong con người tôi.

Và cũng chính từ đó, chẳng biết từ lúc nào, tôi bắt đầu tạo ra thế giới cho riêng mình. Tôi bắt đầu tự tưởng tượng ra đủ thứ và mở rộng cái thế giới vốn tù túng của mình từng chút, từng chút một, bay xa hơn và cao hơn. Mẹ nói rằng mẹ chẳng bao giờ quên được cái hình ảnh tôi ngày ấy, cuốn lên mình một tấm vải làm áo choàng và đeo theo đủ loại súng kiếm tự chế đi khắp sân nhà. Sân nhà tôi rộng lắm, nên tôi cũng thoải mái vui chơi mà không sợ bị kìm giữ gì. Lên trường tôi cũng có bạn, nhưng phần nhiều thời gian tôi dành trong giờ ra chơi là đi vẩn vơ trong sân trường, tiếp tục tưởng tượng ra đủ thứ cốt truyện, phiêu lưu trong đủ thứ thế giới. Có lẽ cũng bởi vậy nên tôi hay lơ ngơ, và lơ ngơ thì hay bị bắt nạt. Còn nhớ ngày còn tiểu học cứ tan học về là tôi khóc vì bị đánh, thương mẹ cứ mãi xót con mà cuống cả lên một thời gian dài.

Nhưng chuyện trên trường tôi lại không để bụng. Có lẽ cũng vì bận mơ mộng quá nhiều nên tôi nhanh quên lắm. Cứ về nhà là tôi lại vui, vì hầu hết thời gian tôi dành là để… bắt nạt thằng em mập ù. Nó lên 4 đã to bằng tôi, nên anh em suốt ngày chí chóe. Nhưng mà anh thì làm sao thua được, đó là quy luật muôn thưở, tôi luôn thắng, và khắp căn nhà, nơi nào cũng có chiến tích của anh em tôi để lại, từ giường, bàn học, phòng ăn cho tới cả trên mặt thằng em tội nghiệp.

Tất nhiên anh em tôi vẫn có lúc hòa thuận, nhiều là đằng khác. Ngày ấy anh em tôi hay chơi đồ chơi cùng nhau, và việc này đẩy trí tưởng tượng của tôi lên một tầm cao mới. Tôi không chơi theo cách bình thường, thằng em tôi cũng vậy. Chúng tôi tạo ra cốt truyện cho những món đồ chơi của mình, tạo ra cả tính cách, và phân chia rõ ràng vai trò của từng thằng trong câu chuyện (tất nhiên là anh tôi luôn dành phần điều khiển vai chính). Không chỉ vậy, 2 đứa còn cùng nhau thu thập những thùng các-tông và những hộp bánh cũ, hay bất cứ những thứ gì có hình hộp và chắc chắn một tí để xây nên cả một khu căn cứ hoành tráng cho những nhân vật của mình. Cái “tính thực tế” ở đây còn đến mức đôi khi chúng tôi cho những nhân vật cãi nhau, yêu nhau hay tổ chức một hội thao cho tất cả nhân vật. Thằng em tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều từ tôi những ngày ấy. Có những kỉ niệm vui mà tôi chẳng bao giờ quên được như lúc tôi viết thư từ thằng em vì nó không chịu nhường cho tôi một món đồ chơi đẹp. Những trò ngốc nghếch chẳng bao giờ có giới hạn cả. Và cứ thế, tôi lớn dần lên từng chút từng chút một.

Nhưng đến một cái thời điểm mà tôi cũng chẳng nhớ rõ. Tôi bắt đầu quên đi con người mình ngày trước. Tôi nóng tính hơn, cau có hơn và quan trọng nhất là tôi chẳng thèm chơi đồ chơi với thằng em nữa vì lí do “lớn rồi”. Tôi cố trở thành mọi người, và càng cố tôi càng thất bại. Suốt 2 năm lớp 6 và lớp 7 tôi chật vật tìm kiếm cho mình một người bạn. Những người chơi với tôi là một lũ ngu – tôi tự cảm giác như vậy, tôi cố với lên một tầng lớp nổi tiếng và đẳng cấp hơn. Nhưng càng cố tôi lại càng thất bại. Những câu chuyện trên trường khiến tôi cảm giác hoàn toàn bị áp lực cho đến năm lớp 8, tôi bắt đầu muốn tự sát, và đó cũng chính là lúc tôi tìm kiếm được cho mình những người bạn đích thực và từng bước khẳng định mình. Tuy nhiên đó là một câu chuyện khác, sẽ kể vào một dịp khác.

Mặc dù xảy ra nhiều chuyện, nhưng cái tuổi thơ của tôi năm cấp 2 không phải vì thế mà không có gì đáng nhớ. Sân nhà tôi có một cây xoài chua do ông nội trồng. Và cứ mỗi dịp hè về, anh em trong nhà lại tụ tập trước cổng nhà, nơi sạp giầy của một anh lớn và chơi đủ trò: cá ngựa, cờ vua, cờ tướng, đánh bài… và những trái xoài chấm muối ớt chính là vật cá cược. Đáng nhớ nhất trong số những trò chơi ấy có lẽ là trò tiến lên 3 người, chúng tôi chia mỗi người 17 con bài, dư 1 và chơi như tiến lên bình thường. Nhưng cũng vì nhiều quân hơn nên tỉ lệ chặt được 2 hay có những sẳn mạnh cũng nhiều hơn. Ngày ấy tôi là đứa khờ nhất nên cứ bị chặt chém bởi anh em trong nhà. Có lần tôi tức quá, òa khóc, lật đổ bàn bài và bỏ đi. Cũng từ đó, một thời gian dài tôi chẳng đụng vào 52 lá đỏ đen nữa.

Giờ đây nhìn lại những quãng thời gian ấy, tôi lại nhớ. Nhớ từ những buổi sáng rong ruổi với ông trong ánh nắng vàng rượm của thành phố, nhớ thời thơ thẩn khắp nơi cùng những thế giới mà chỉ có mình tôi trong đó, nhớ cả ngày hè vàng ươm trước sân nhà dưới dàn hoa giấy màu hồng phấn cùng những câu chuyện dở khóc dở cười.

Tôi lớn rồi, bắt đầu biết yêu, bắt đầu có những hoài bão cho riêng mình, nhưng trong tôi vẫn luôn phảng phất một chút gì của thời thơ ấu. Ngày ấy tôi ước mơ nhiều lắm, tôi muốn làm bộ đội, muốn làm ca sĩ, muốn làm phóng viên, và hơn hết là muốn nhìn thế giới này càng nhiều càng tốt. Bây giờ nhìn lại, có những điều thời ấu thơ mình muốn nhưng không làm được, nhưng có những thứ mình đang làm lại trùng hợp đến lạ kì với những điều ước thoáng qua thời còn nhỏ dại. Tôi bây giờ đi nhiều hơn, hòa đồng hơn nhưng tôi vẫn thích tưởng tượng ra những câu chuyện, vẫn thích lang thang một mình, vẫn thích làm nhà báo, và vẫn thích người ta chú ý đến mình như một đứa trẻ thèm muốn sự quan tâm.

Steve Jobs nổi tiếng với câu nói “Stay hurry. Stay foolish” nhưng tôi biết được câu này lần đầu tiên và yêu nó là qua bản dịch tiếng Việt trong một cuốn sách của Ngô Bảo Châu: “hãy giữ lòng mình đừng bao giờ hết khát khao và đừng bao giờ hết thơ dại”. Những hoài bão của người đàn ông vẫn luôn cần đi cùng với sự ngây ngô của một đứa trẻ. Chính sự kết hơp tưởng chừng như mâu thuẫn đó mới tạo ra giá trị lớn nhất của thế kỉ 21 – sự sáng tạo.

Và đó cũng chính là cách tôi tạo ra phong cách sống cho riêng mình. Tất nhiên tôi biết con người phải dần trưởng thành và nhìn về mặt nghĩa đen, tôi thật sự vẫn còn trẻ con nhiều lắm. Nhưng con người tôi lúc này chính là con người tôi muốn trở thành từ khi chỉ mới 3 tháng tuổi. Rong ruổi khắp nơi và tìm cho mình những trải nghiệm thậm chí còn không thể nhớ mặt đặt tên. Tôi yêu sự phiêu lưu và những tưởng tượng. Với đó, từng bước từng bước một, tôi nới rộng thế giới vốn còn nhỏ bé của mình.

Nếu có một ngày bạn cảm thấy chông chênh và không biết mình là ai, hãy tìm kiếm lại đứa trẻ bên trong bạn. Và... bạn biết đấy, tôi cam đoan rằng nó sẽ nói cho bạn rất rất nhiều điều


Vậy, ấu thơ trong bạn là gì? ;)






P/S: lần đầu tiên mình viết ra một thứ mà thực sự muốn người khác đọc 
- An Nhiên -




Previous
Next Post »

Bài đăng phổ biến