Viết cho những tháng ngày lăn lông lốc ở khoa Báo chí và Truyền thông.
Dạo này xã hội càng lúc càng lộn xộn với đủ thứ chém giết hiếp, tình hình Nga Mĩ thì cứ đấu tranh liên miên rồi thi nhau “quan ngại”, đôi khi các vị lãnh đạo học cao từ phía Tàu khựa và các nước có liên quan cũng bày đặt phát ngôn những câu hết sức là sâu sắc. Cách đây mấy ngày hồi giáo IS còn vô tình để lộ ra vài thông tin “tuyệt mật” mang tầm nhân loại. Cả địa cầu cứ thế nóng lên từng ngày, đến mức cá mập Thái Bình Dương chịu không nổi buồn răng phải nhè cáp quang của Việt Nam mà táp giải khuây, để cái note này muốn up được lên cũng phải tốn mất 2 ngày.
Thậm chí ngay động vật trên cạn là Ngọc Trinh cũng phải rủ các chị em chúng mình cởi áo mặc bikini lên máy bay tránh nóng, để rồi vô tình lộ ra một bộ ảnh hết sức bổ ích khiến cư dân mạng phẫn nộ suốt ngày thuyết giảng về Khổng Tử của Tàu và thuần phong mĩ tục bao đời nay của dân tộc. Trong khi từ ngàn xưa cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến đã thể hiện quan điểm hết sức cách tân đối với thói hớ hênh của đàn bà qua câu: “Thôi thôi con có tội chi con. Chỉ tội làm ông cứng con buội” (Nguyên văn là “Nộ nhĩ hà cang ngã dương cụ”).
Nói chung là loạn. Sống trong cái thời đại mà hở tí là nghe chuyện động trời thì thật sự là mệt mỏi.
Nhưng thực ra, nếu là cỡ 3 năm về trước, thì trong cái mớ lộn xộn kia điều duy nhất tôi quan tâm đến chắc chỉ là cái cáp quang nghe loáng thoáng ở đâu lại đứt, chính thế mà mấy hôm nay mình đọc truyện sao thấy nó load lâu lạ lại đi vô cớ chửi cục router nhà mình đã già cỗi. Bất quá thì thêm đem hình Ngọc Trinh ra nhìn vừa xuýt xoa vừa lầm bầm kiểu “đéo mẹ, ngon thế này mà lại leo lên máy bay sao phí quá”. Tất cả những điều trên tôi có quan tâm và có tìm hiểu đến, chỉ đơn giản là vì tôi là sinh viên Báo chí.
Thấm thoắt đây đã là năm thứ 3 tôi tự hào giới thiệu mình là sinh viên Báo chí (hay như thằng bạn tôi hay gọi cách điệu là Bí cháo) trong những buổi phỏng vấn, giao lưu đội nhóm, orientation day, cà phê chia sẻ các kiểu hoặc những bữa tiệc cực kì màu mè của dân bán hàng đa cấp. 3 năm với nhiều thay đổi, và thậm chí dù có nhan nhản viết về những thứ ấy tôi cũng thấy chẳng bao giờ là đủ.
Hôm bữa thằng bạn thân của tôi có kể về một tin nhắn nó gửi cho một chị khóa trên ở trong khoa lúc trước khi bước vào năm học. Nôm na là nó cảm thấy bồi hồi khi nhìn đàn em năm nhất bước vào, bỡ ngỡ và lẫn lộn sắc màu như nó, tôi cùng nhiều đứa khác 2 năm về trước. Rồi nó chợt nghĩ về ngày đầu tiên vào khoa, khi ấy cái gì cũng mới, cái gì cũng lạ, và đặc biệt chúng tôi nhìn các anh chị năm 3 lúc ấy với cảm giác ngưỡng mộ và sợ sệt không sao giải thích được. Khi ấy mọi người cao lắm, giỏi lắm, như những tượng đài được chưng ở bảo tàng các anh hùng trong lòng đàn em khóa dưới. Giờ thì mọi thứ đảo chiều, chúng tôi lên năm 3, nhìn lại đám đàn em mới vào khoa vừa vui vừa buồn. Vui vì cuối cùng thì mình cũng hiểu cảm giác của các anh chị ngày trước, vui vì giờ mình VIP rồi, oách rồi, thẳng tay nhào nặn đám đàn em theo cách của (Tôi xin kể ra một số người bạn) Lê My, Đi đông, Linh Trần, Bá Duy, Ka Tỳ, Phương Thanh,… và một số bạn liên quan khác nữa. Còn buồn, vì tất nhiên, mình đã (hơi hơi) già.
Có cô bạn thân nói với tôi rằng cô ghét lên năm 3. Bởi nếu là năm nhất năm hai thì đi đâu, làm gì chúng tôi cũng được xoa đầu và khen: “mới nhỏ thế này thôi mà đã giỏi vậy á, tốt lắm hihi” hoặc làm gì cũng được cho qua vì “mới năm nhất, còn non kinh nghiệm”. Còn bây giờ thì mọi thứ đã khác, mình lớn rồi, cuộc chơi thay đổi. Chúng tôi cũng không còn được cái đặc quyền được khen và bỏ qua như ngày trước nữa. Làm gì cũng phải có tâm. Tôi biết vì tôi đã từng chửi thẳng vào mặt một bạn vì đến năm 3 viết câu còn sai cấu trúc, và cũng đã từng bị mắng té tát vì đến năm 3 rồi mà còn nhầm những khái niệm hết sức là giản đơn. Nói chung, “đến năm 3”, mọi thứ cũng phải thay đổi, kể cả con người.
Tôi còn nhớ ngày vào năm nhất tôi chẳng thể tìm được mình trong nhung nhúc những tài năng vượt trội của khoa Báo chí. Họ đến từ những trường điểm trong thành phố, kinh nghiệm của họ vượt xa tôi rất nhiều. Và tôi cứ lẵng nhẵng theo bước những con người tài năng ấy một cách vô thức. Để rồi khi bị bật ra tôi lại bất mãn ngồi chửi rủa cuộc đời và làm vẻ bất cần, không màng đến thế sự một cách rất ư là thiếu hiểu biết.
Nói vui thì tôi có được thằng bạn thân nhất khoa bây giờ cũng là do những tháng ngày đi lang thang dưới con đường dài dằng dặc dẫn vào trường, mải mê chửi Đoàn hội và các Câu lạc bộ, rồi giống như những bô lão ngày ngày hút thuốc lào bàn chuyện chính Đảng và đa Đảng, chúng tôi cũng nói về định hướng, cũng nói về rằng không phải chỉ vào được những nơi ấy mới là có tương lai, nói rằng nhiều khi không dính vào lại là may mắn. Mỗi người một quan điểm, dù hồi ấy chủ yếu nó nói tôi nghe nhưng cũng khoái chí lắm. Phàm còn người khi không đạt được cái gì thì thường sẽ đâm phát sinh ra một số thể loại bỏ cuộc và ngồi chửi rủa mục tiêu của mình. Hồi năm nhất tôi là một trong số ấy. Và tôi tin rằng Khoa báo chí khóa nào cũng sẽ phát sinh ra vài nhóm giống vậy. Vì đơn giản một điều là chúng tôi giỏi.
Không ai có thể phủ nhận một điều là sinh viên Báo chí giỏi. Gần 200 con người với đầu vào lúc nào cũng xấp xỉ 20 (mấy năm gần đây là 22) chúng tôi đều là những cá nhân nổi bật đến từ các trường trải dọc khắp cái miền Nam này từ Mũi Né vào Thừa Thiên Huế. Tuy vậy, như một quy luật sàng lọc. Trong 200 con người ấy sẽ có khoảng 150 đến 180 bị đào thải trong những kì thi đầu vào các Câu lạc bộ, đội nhóm, để lại về lý thuyết là những cá nhân xuất sắc nhất. Một tập thể muốn phát triển thì phải chắt lọc và tinh gọn, không ai có thể chịu trách nhiệm cho hết 200 đứa nhung nhúc đủ các thể loại. Nói rộng ra thì không ai chịu trách nhiệm cho cuộc đời người khác cả, không một ai. Chỉ có bạn là phải chịu trách nhiệm cho việc trong vòng 1 tháng đầu Đại học không thể hiện được bản thân mình trước “những cá nhân tiêu biểu” được tôi đề cập ở trên.
Nhưng tất nhiên, không phải cứ là người được chọn là bạn giỏi, tương tự như vậy cũng không phải cứ là kẻ bị loại là bạn dở hay bất tài. Những cuộc thi tuyển hay phỏng vấn đầu vào chỉ trong vòng một tháng không phản ánh tương lai hay tài năng, nó chỉ phản ánh một quá trình tích tũy kinh nghiệm và kiến thức suốt 3 năm phổ thông, thêm vào đó là sự may mắn. Tất nhiên vì không được mấy tài năng nên tôi xin khẳng định ở đây may mắn chiếm một vai trò cực kì quan trọng.
Và nếu có cái gì để khuyên cho các đàn em lớp dưới thì tôi sẽ chọn 180 đứa còn sót lại để mà khuyên rằng: Trong cái xã hội lộn xộn nói chung này và cái khoa Báo chí nói riêng, các bạn nên chọn cho mình một hướng đi khác biệt, và phải sống chết cùng cái hướng đi ấy. Chuyện bỏ cuộc rồi chỉ ngồi chửi rủa những người giỏi hơn mình hoặc có vẻ giỏi hơn mình chẳng bao giờ là hướng đi. Còn nếu bạn thích đi vậy thì cũng kệ bạn, rồi bạn sẽ như tôi lao vào ngõ cụt, để rồi mất rất nhiều thời gian để quay lại và tìm cho mình một con đường.
Nhân nói đến chuyện lời khuyên, có một anh khóa trên trong một lần đi nhậu đã từng khuyên tôi một câu rất hay như thế này: “Các chú cứ cố gắng hết mình, và dù bạn bè cùng lứa có đi nhanh hơn mình cũng đừng vội vàng, mỗi người đều có con đường của riêng họ.” Diễn giải ra về câu chữ thực sự không có cảm xúc gì mấy nhưng câu nói này quả thật đã theo tôi suốt mấy năm trời cùng với kỉ niệm quay quanh cái bàn nhậu thịt chó ngày ấy.
Nhắc đến vụ nhậu. Lớp chúng tôi bắt đầu có truyền thống nhậu từ giữa năm 2. Khi ấy là do quá buồn bởi phong trào banh bóng bết bát của lớp, và thậm chí còn buồn hơn khi chúng tôi tách ra thành 2 lớp máy lạnh và gió nóng cực kì khác biệt, chúng tôi quyết định tụ tập nhau lại một tháng một lần để nhâu nhẹt và úp đết tình hình anh em.
Một lần đi nhậu đình đám |
Dạo gần đây, khi nhậu chúng tôi nhắc nhiều nhất đến lứa K14 mới vào nhập học.
Năm nay đầu vào của các bạn là 22 điểm, rất giỏi, và tôi cũng chẳng có gì phải xấu hổ khi nói rằng các bạn sẽ có tương lai hơn tôi hay nhiều bạn cùng lứa. Tôi cũng quan niệm năm nhất cần một cái tôi, vì nó giúp bạn sống “thẳng” hơn khi Đại học có quá nhiều thứ cám dỗ. Nhưng cái tôi ấy đừng nên vượt quá tầm năm nhất. Như chúng tôi 2 năm về trước xin nói thẳng cũng có tài, cũng có tật nhưng chẳng bao giờ để đàn anh khóa trên phải nhìn mình với con mắt phần nhiều tiêu cực như một vài bạn trong một vài năm gần đây.
Mấy hôm rồi khoa tôi có tổ chức đón tân sinh viên cùng nhiều hoạt động kéo theo cho các bạn năm nhất. Bạn bè tôi đặc biệt là mấy cô bạn trong nhóm ai cũng tất bật và bị áp lực từ nhiều phía. Tôi biết có cô bạn còn bật khóc vì lần đầu tiên đảm đương truyền thông một chương trình nào đó, cô khác thì nổi điên lên vì mọi thứ cô lao tâm khổ tứ bỗng thành một mớ lộn xộn rối bùng, còn một cô thì phải đóng vai ác chơi tâm lí lên mấy đứa đàn em non nớt. Tôi biết những điều ấy, dù thậm chí từ những dư âm năm nhất tôi luôn ra vẻ chẳng bao giờ quan tâm đến những phạm trù mang tính đoàn hội trong trường. Tôi thương những cô bạn của mình và tự hào vì họ đã trưởng thành để gánh vác cho mình những áp lực chỉ dành cho những đàn anh đàn chị. Rồi như thằng bạn vừa nói ở trên, tôi cũng có nhiều bồi hồi khi nhớ lại hình ảnh của mình ngày còn năm nhất, và cũng biết ơn những anh chị ngày ấy đã chăm lo cho chúng tôi, dù đôi khi chương trình có bị bể show và chính những đứa được chăm lo chúng tôi lại quay lại rủa xả anh chị của mình. Đó là sự thiếu khôn ngoan của tuổi trẻ, tôi tin là vậy.
Quay lại chủ để cũ, đến năm 3 rồi ai cũng thay đổi. Tôi và thằng bạn ngày trước suốt ngày chửi đoàn hội giờ lại vô một nhóm toàn là làm đoàn hội. Dù từ giữa năm 2 tôi và thằng bạn đã giác ngộ và có nhiều cái nhìn chín chăn hơn nhưng tất nhiên nhắc lại tôi cũng thấy buồn cười. Cuộc đời luôn nhiều cái nghịch lí và cứ mỗi khi cái nghịch lí xuất hiện lại đi kèm theo những sự kiện mà tôi không thể nào quên được.
Năm nhất tôi nhớ như in những ngày trại Báo chí trẻ. Khi ấy chúng tôi tự mình sinh hoạt vòng tròn, chạy quanh khu trại và hát rống lên như điên kèm nhảy tự do mỗi khi nổi nhạc. Các anh chị cũng cao hứng đáp trả bằng nhiều màn biểu diễn vô cùng đặc sắc từ chính chuyên đến hài kịch. Tôi đã có một ngày ướt nhẹp và cười như điên để rồi tối cuộn mình vào trại ngủ như chết sau màn tỉ tê tâm sự truyền thống. Sáng sớm hôm ấy trước khi chia tay có cô bạn đứng giữa vòng tròn cả trăm con người và nói rằng thật vui khi khoảng cách giữa các bạn cùng lớp với nhau, giữa đàn em và anh chị chị còn xít xìn xịt một đốt ngón tay, ừ thì những lúc như vậy báo chí là một gia đình.
Trại Báo chí trẻ năm nhất, chi tôi vô địch |
Gần sang năm 2 chúng tôi có được một biên niên sử nhiều kì với học kì quân sự. Khi ấy là lúc nhóm chúng tôi năm người nói nhiều nhất về tuổi trẻ và những câu chuyện sâu bên trong nó. Thi thoảng tôi vẫn rùng mình khi nhớ lại không khí se lạnh đôi lúc phủ sương mờ của khu quân sự mỗi khi sáng sớm, đó là khi mọi người lục tục kéo nhau ra sân tập thể dục trong tiếng chuông báo thức huyền thoại và chất giọng lanh lảnh của những thầy quản khu, để lại một vài cá nhân còn cuộn mình trong chăn vì đêm lỡ mải đam mê phim hay bài bạc. Tôi cũng nhớ những tối ngồi ban công ngắm mưa và nói nhảm nhí gì đấy với mấy đứa bạn thân của mình, hay im lặng ngắm nhìn khoảng không trong ngần lất phất mưa bay rồi thả mình về vài thứ tình cảm vu vơ.
Tôi nhớ chuyện tình cảm của mình ngày ấy sao phức tạp lạ khi cái không gian ngập tràn nắng và gió của khu quân sự quá đỗi diệu kì, đến mức có cô bạn khác lớp còn lỡ say mà đề tặng tôi bài “love paradise” nhân một buổi chiều gần cuối khóa. Nắng quân sự gắn liền với những trò chơi U khi vãn tiết, nhớ những tô cơm đi ăn trộm những buổi trưa hè, nhớ những buổi học giật mình tỉnh giấc thấy đẫm mồ hôi và tiếng ngáy. Đêm Flashmob ngày ấy là đêm đầu tiên tôi nhảy nhót trước mặt thật là đông người, buổi văn nghệ cuối khóa là buổi đầu tiên tôi diễn văn nghệ cùng lớp. Sau đó thì tôi cùng thằng bạn đang làm C phó chạy đi mua cơm cho các nghệ sĩ còn ở lại bên trên, người ngợm ướt đẫm mưa và cười ngờ nghệch như thể 2 thằng khùng.
Đêm lớp có 2 đứa đi thi Cặp đôi hoàn hảo là lúc chúng tôi làm cho mình nồi lẩu đầu tiên trong đời quân sự. Cái không khí đồng chí gắp nhặt cho nhau ăn thút thít trong ánh đèn Flash từ mấy cái điện thoạt đập đá đôi khi vẫn còn làm tôi thấy bùi ngùi mỗi khi nhắc tới 3 từ “lẩu bao tử”. Tôi nhớ nhất khoảnh khắc tôi cùng 3 đứa bạn đứng trước hồ đá lần cuối cùng và nói về những tâm tư của mình, sau khi bắn nổ cây pháo còn để lại hôm quân sự. Cảnh đó quả thực rất đẹp, đẹp như cảnh đinh trong một bộ phim Hàn Trung Nhật nào đó ngợi ca về tuổi trẻ.
Hồi ức đẹp nhất thời quân sự |
Học kì quân sự kết thúc là lúc hè tới. Và sau cái hè ấy là lúc lớp chúng tôi chia thành 2 lớp Chất lượng cao và lớp thường. Một số đứa ở lại lớp thường bơ vơ không nhóm hội tìm cho mình một nơi nương tựa. Nhóm chúng tôi kết nạp thêm 4 thành viên nên thành ra là 9 đứa. Và đến giờ tôi luôn tự hào vì nhóm Đại học của mình, gọi tên là Hàn Lâm. Nhóm chúng tôi bao gồm một cô thánh nữ đang tập tành bố láo, 2 dâm nữ một dú bự một eo thon đều rất quyến rũ và rất tâm lí, đặc biệt cực kì hay bị chuyện tình cảm làm phiền lòng, một thằng mập tự xưng là trưởng nhóm nóng tính và thích lo chuyện nước nhà, một thằng bạn như một cậu bé cứ ngẩn ngơ nói những điều không ai hiểu nhưng tâm hồn lại có nhiều ngăn và rất sâu sắc, một cô kiều nữ nào đó từ Hàn Quốc về luôn nghĩ mình xinh đẹp và niềm tin đó quả thật có giúp cô đẹp lên từng ngày, một cô gái Agency mặt búng ra sữa luôn cầu thị kiến thức, và một người đẹp (quả thực rất may mắn cho chúng tôi) với nhan sắc đã từng được trường công nhận và lọt vào top 10 người đẹp Nhân Văn hồi năm nhất.
Như đã trình bày nhóm này có phân nửa là suốt ngày đi lo vụ đoàn hội rồi câu lạc bộ, nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là chúng tôi còn trẻ, chúng tôi yêu tuổi trẻ của mình và của tất cả những người khác, chúng tôi có hoài bão và chúng tôi sống với nhau chân thành .
Tuổi đời sinh viên của tôi ghé lại Vũng Tàu nơi chúng tôi lần đầu tiên YOLO chạy ra đó, tắm biển uống bia tắm bia và hôn hít. Nó ghé lại Công viên hầm Thủ Thiêm khi chúng tôi lần đầu tiên tổ chức sinh nhật bất ngờ cho cô bạn, nó lâu lâu đậu lại sảnh D khi chúng tôi thậm chí mang bánh kem lên tận trường tri ân lễ thượng thọ của thằng trưởng nhóm và con bạn ăn theo đó. Nó trải dài ra Thủ Đức khi cũng lại là một sinh nhật khác dành cho 2 con bạn, có nước mắt,cãi vã và rất nhiều bia. Đó là mùa hè của tôi. Tôi dễ dàng nhớ đến những giọt nước mắt của những cô bạn hay tiếng chửi thề của những thằng bạn. Tôi không sao quên được những ngày lộng gió sảnh D chúng tôi đi lang thang tìm đồ ăn và kể chuyện rất trẻ. Nó khiến cho tôi mong đợi hơn những tiết học để được gặp bè bạn chứ chẳng báu bở đếch gì chuyện bài vở. Và cũng khiến tôi tràn trề hi vọng hơn vào năm 3 này.
Hàn Lâm của tôi |
Và ngoài nhóm bạn của mình, tôi có thân riêng với một cô bạn. Cô là người đầu tiên tôi chú ý khi vừa vào năm nhất. Cô có nụ cười rất sáng cùng văn phong hết sức mất dạy. Cách nhìn đời của chúng tôi thường có gì đó giống nhau, thậm chí chúng tôi cũng tìm thấy ở nhau một cái gì đó quyến rũ lạ, dù rằng không phải tình yêu, chỉ là đàn ông và đàn bà ngồi nhìn mọi việc theo quan điểm giống nhau nhưng từ 2 giới tính. Cô chính là người đã khiến cho những đêm Sài Gòn của tôi đẹp hơn và tròn đầy hơn vào cái hè vừa rồi.
Đến đây là tạm hết phần hoài niệm, rảnh sẽ kể tiếp.
Hôm qua tôi có ngồi xem lại source clip do mình quay mấy năm gần đây. Còn không nhiều những cũng có nhiều cái khiến tôi suy nghĩ. Đến đoạn thằng bạn tôi quằn quại hát bài Chạy mưa tôi thấy có gì đó rùng mình. Mắt nó ánh lên một cái gì đó điên loạn và rực lửa, thậm chí cả con người nó có đôi khi cũng vậy, cái màu sắc đó không thấy được ở năm nhất. Tôi tìm cho mình một tấm gương, rồi soi vào, ánh mắt tôi cũng khác nhiều so với ngày ấy. Cá tính được định hình trong hoàn cảnh, và môi trường đại học có nhiều thứ khiến tự bản thân mỗi người phải nhào nặn mình thành một con người nào đó để hòa nhập chứ không hòa tan.
Tôi lại nhìn vào cái gương không có thật ngự trên bức tường đối diện tôi khi viết những dòng này. Mỗi ngày tôi đều thay đổi, và cứ mỗi khi thay đổi tôi lại nhìn thấy mình cũ rất trẻ con. Tôi chợt nghĩ đến hình ảnh khoa Báo chí như một lò luyện đan, một cái máy nghiền khiến tôi trong ấy càng ngày càng trở nên nóng nảy, lờ đờ và ngạo mạn. Rồi biết đâu 1 năm nữa khi tất cả mọi thứ chấm dứt, tôi sẽ lại nhìn về mình khi viết những dòng này và viết ra một cái gì đó về sự bồng bột của tuổi 20?
Dù sao tôi cũng còn ít nhất 1 năm và nhiều nhất 3 năm nữa để tự nhận mình là sinh viên đến từ khoa Báo chí. Theo đó tôi cũng còn đón tầm 2, 3 lứa tân sinh viên trước khi xăm xăm bước ra khỏi trường không quay đầu lại. Tức là cũng sẽ có thêm vài ba lần hoài niệm vu vơ kiểu già nua và triết lí nửa mùa như thế này. Mong sao năm nay tôi sẽ làm được nhiều thứ hơn, để năm sau nhìn lại lứa đàn em tôi sẽ có thêm cho mình nhiều điều hơn để chiêm nghiệm.
Nói chung, về lí mà nói thì những bài viết thế này sẽ được viết vào năm 4 khi sắp tốt nghiệp hoặc sau khi tốt nghiệp. Nhưng mà tôi biết thừa lúc ấy sẽ nhan nhản người viết.Và tôi thì không thích cái gì quá đại trà.
Đó cũng là một thay đổi.
Sài Gòn 27/9/2014
* Nhặt nhạnh từ mồm lũ bạn:
- Sao dạo này tụi mày láo thế hả?
- Tụi tao tự đấu tranh sinh tồn
- Phải, giữa cuộc đời nghiệt ngã này
---
- Rốt cuộc giới tính của mày là gì? Nam hay gay hay bi?
- Tao là một cái cây
---
- Tao càng lúc càng chán lũ vịt cái của nhóm mình
---
- Không cần mọi người khen tao đẹp, tự tao biết tao đẹp là đủ rồi
---
- Ê mày ơi, tao cảm thấy tuổi trẻ của mình đang bị nghẹn
- Tại sao lại bị nghẹn?
- Mọi thứ đều bế tắc, tao cảm giác như mình càng lúc càng đi vào ngõ cụt
- Rồi sao nữa?
- Tao nghĩ là mình cần một cơn mưa
- Giờ này làm gì có mưa?
- Vậy thì tao nghĩ mình sẽ đi giặt đồ.
---
- Này mày ạ, tao đang cảm thấy cực kì mệt mỏi. Giống như là bị rơi từ một vách núi dựng đứng vậy
- Vậy thì hãy cầm theo một chiếc dù
- Để làm gì?
- Mày sẽ vừa được rơi, vừa được ngắm cảnh và cảm nhận được làn gió mát đang luồn lên từ 2 ống quần.
- Thú vị đấy, đồ đểu.
- Ít nhất thì tao có thể làm chiếc dù của mày, nếu mày muốn.