Hồi trước mình có đọc một bài viết của cô Phan Thị Vàng Anh, kể về rạp xiếc bên hồ Hale, vào những ngày lạnh giá nhất của Hà Nội.
Bài viết kể về nhiều thứ, kỉ niệm, những không gian sắc màu lúc này chỉ còn trơ trọi vài vị khách và những diễn viên nhiệt tình giữa tiết trời Hà Nội rét buốt, đến khách muốn tán dương cũng chỉ dám vỗ khe khẽ tay vì cóng quá.
Cô bảo: Hãy đi xem xiếc, để vừa ôn lại tuổi thơ, vừa hâm nóng cái gọi là lòng yêu nghề của những người nghệ sĩ sống chết với cái nghiệp có phần nghiệt ngã.
Hôm rồi mình bay ra Hà Nội vào giữa đêm. 3 giờ sáng, xe trung chuyển thả mình ngay trước cửa rạp xiếc Trung ương. Khi ấy mình đứng nhìn cái rạp hồi lâu, bác xe ôm bảo thôi lên chú chở về, mai Chủ nhật có tận 3 suất, được thì ra mua vé xem, mình cứ canh cánh trong lòng mãi.
Rốt cuộc, đợt đi Hà Nội vừa rồi mình chả có thời gian đi xem xiếc. Nhưng may mắn sao lại được đi xem một thứ khác.
Đó là ca trù.
Chiều thứ 7, đi lang thang trên phố Hàng Buồm, mình và mấy người bạn được phát mấy tấm vé xem ca trù miễn phí của đoàn ca trù phường Thăng Long, nghe bảo đoàn này hát miễn phí cho người Việt nghe vào tối thứ 7 tuần đầu tiên mỗi tháng. "Người Việt miễn phí cho người Việt, ngộ hen".
Lũ thanh niên chỉ ham miễn phí, lấy tiền chưa chắc đã đi, nhưng đó là một buổi tối rất đáng tiền. Ngay khi những tiếng trống chầu văn, âm đàn đáy đầu tiên cất lên, rồi nhịp phách của các ca nương ý a ngọt như thạch, cả đám mình đã lặng đi vài giây trong sự ngưỡng mộ và phấn khích.
Âm nhạc ru lên trong không gian cung kính của sảnh đền, những người ca nương nhắm nghiền mắt, tay cầm phách gõ theo lời ca hoa mỹ về vẻ đẹp hồ Tây, về ái tình, về 36 phố phường nghe sao êm lòng lạ.
Ca trù lúc xưa thường là do các quan tổ chức. Trong bộ gõ có trống chầu là dành riêng cho các quan sai, cứ đoạn nào hay quan sai sẽ gõ vài nhịp xem như khen thưởng. Ngoài ra trước mặt ca nương còn có một cái đĩa thiếc, khách xem ca trù ai thích thì ném thẻ tre vào đó, gọi là trù. Cứ đến vãn cuộc vui ca nương mang trù ra đổi lấy ngân lượng. Những tiếng leng keng của trù chạm vào mặt đĩa và những tiếng trống chầu là động lực để các ca nương hát hay hơn, giống như tiếng vỗ tay của khán giả bây giờ vậy.
Có lẽ để giữ đúng không khí xưa, đoàn này cũng có một đĩa thiếc và trống chầu, thẻ trù thì đưa cho những người Tây ngồi đầu cầm. Đoạn giao lưu, mình cũng xin lên cầm roi chầu vụt vào mặt trống một vài nhịp, cho có được cái cảm giác sảng khoái của quan sai ngày xưa.
Mình có nói chuyện với một bạn trong đoàn hát. Bạn không xinh so với những ca nương còn lại nhưng hát lại rất hay. Bạn bảo bạn đã tập hát 9 năm rồi. Phải 5 năm thì bạn mới được hát trước khán giả, và thậm chí đến giờ bạn cũng chỉ được cho cầm phách chính những đoạn ca ngắn mà thôi. Và trong đoàn, nhiều người còn tập lâu hơn như vậy rất nhiều.
"Ban đầu mình tập vì thích cái khó, lâu rồi thành thương, không bỏ được".
Mình tự hỏi, rốt cuộc nếu không phải là yêu nghề, yêu cái kiếp cầm ca thì điều gì khiến các bạn, các cô trong đoàn gắn với ca trù lâu đến như vậy? Vì rõ ràng, các bạn đẹp lắm, và với giọng hát cũng như nhan sắc ấy, các bạn vẫn có thể tham gia chương trình Giọng hát Việt và ý ới vài câu vô cảm là fan đã đầy ra rồi.
À, hơi xa rồi.
Nhưng mình để ý, khi mình đi xe ôm từ rạp xiếc về chỗ nhà anh bạn, bác tài xế bảo rằng rạp xiếc mở ra khách Tây chiếm 60% rồi. Đến ca trù cũng vậy, cả khán phòng chủ yếu là người Tây ba lô và các cụ hưu trí. Có bạn trong đoàn thành thật bảo rằng đoàn ngày thường hát chỉ khoảng 25 khách, chủ yếu cũng là khách du lịch, người trẻ lâu lâu mới có một lần.
À, thì ra người ta miễn phí cho người Việt là để kích cầu.
Thôi thì mình viết mấy dòng dài thượt này, để trọn lời với đoàn hát, mỗi khách ra về viết vài dòng review xem như quảng cáo. Lời mình không có sức nặng, chỉ giống cô Vàng Anh, mình muốn nói ai rảnh tối thứ 7, đi ngang qua phố Hàng Buồm, thì ghé nghe thử ca trù. Trước là cho biết, sau là để tán dương những ca kĩ xinh đẹp và hát rất có thần của phường Thăng Long.
"Mà còn cao hơn nữa, nhìn những tấm gương nghệ sĩ, cái lòng yêu nghề trong chúng ta, lâu nay tưởng đã chết, biết đâu lại tự nhiên mà sống dậy thì sao?" - PTVA -