Nhân ngày 22/12, tôi kể về một câu chuyện dài mấy mươi năm đời người
Vào đề
Tình yêu
Cứ về Buôn Ma Thuột là tôi lại nghĩ về tình yêu. Có gì đó cồn cào, day dứt cứ chực bập bùng trong lòng, thổi lên những kí ức nồng nàn và đượm buồn, đôi lúc đắng nhẹ như vị cà phê tinh nguyên mùa nắng về trên phố núi.
Dẫu vậy, nói gì thì nói, về quê nhà tôi vẫn thích nghĩ về tình yêu, thích nghe về những câu chuyện tình yêu của những người Ban Mê. Những câu chuyện từ tứ xứ, bao giờ cũng có một chút gì đó mộc mạc và sâu đậm, cuồn cuộn đầy mê hoặc như mùi cà phê thi thoảng bay trên thành phố xây nên từ đất đỏ.
Và trong số đó, có một câu chuyện tôi được nghe vào một chiều trời mưa phùn nhẹ. Câu chuyện này không phiêu lãng, không thanh thoát. Nó đầy màu cát bụi và bom đạn, nhưng lại có sự thăng trầm và ngân nga, khiến tôi không khỏi nghĩ về mình và những lầm lỡ ngốc nghếch của một tuổi được cho là chưa trưởng thành.
Câu chuyện
Tài là một chàng trai năng nổ và nhiệt tình. Anh có dáng người cao dỏng, mặt mày sáng sủa, trán cao vời vợi, cộng với điệu cười mỉm rất duyên, cái kiểu cười xếch xếch đôi mép, có chút ngạo đời. Lại thêm cái tính năng nổ, nhiệt tình nên Tài được lắm cô mệt mệt từ khi còn rất trẻ.
Cái tính năng nổ của Tài được bộc lộ phải nói là cực kì sớm. Anh lò mò tham gia cách mạng ngay từ khi mới 13 tuổi. Tài còn nhớ rõ đó là vào khoảng năm bốn lăm, khi anh vẫn còn là một cậu bé vừa kết thúc lớp Nhì đệ nhất, chuẩn bị chuyển sang lớp Nhì đệ nhị thì Phát xít Nhật đổ bộ vào khủng bố. Hồi đó trường anh là ngôi trường lớn nhất tỉnh Phú Yên nên bị Nhật chiếm dụng luôn làm kho vũ khí, vậy là cậu học sinh tài – như bao bạn bè khác – lâm vào cảnh mất học.
Đang học ngon lành thì bị gián đoạn vì địch, Tài căm lắm nhưng cũng chẳng biết làm sao, đành về làng làm ruộng giúp mẹ. Hồi ấy trong xã có rộ lên một lực lượng mang tên là Đoàn Thanh niên cứu quốc – tổ chức thành viên trong mặt trận Việt Minh do Đảng lãnh đạo. Các anh thanh niên và cán bộ ở Trung ương cũng về mở trường, vừa dạy lí thuyết vừa truyền bá tư tưởng cứu quốc. Cậu Tài vì tò mò nên cũng mon men tham gia, phần lớn là vì thấy thích các hoạt động phong trào, phần cũng vì mối thù đốt trường còn âm ỉ. Còn nhớ ngày ấy người ta truyền tay nhau tập thơ mấy tập thơ cách mạng với vài bức thư người cộng sản trên thế gửi về cho quê nhà. Tài thích mê tập “Từ ấy” của Tố Hữu. Những vần thơ nâng giấc mơ trở thành chiến sĩ của cậu trai từ những ngày còn rất nhỏ.
Tài Gặp Yến lần đầu năm mười sáu tuổi, khi ấy cả 2 đang cùng làm hoạt động thiếu nhi trong xã. Tài phụ mấy anh lớn công việc sổ sách, còn Yến thì là cô giáo nhỏ dạy cho lũ trẻ con trong khu dân cư viết chữ, làm toán. Cả 2 người cũng hay làm cùng nhau mấy chương trình cắm trại, liên hoan,… cho thiếu nhi trong xã. Nam thanh nữ tú lâu ngày đâm ra cảm mến nhau. Có lần Tài đi về thấy Yến đang dạy học liền chạy qua ghẹo, hỏi “anh yêu em” nó viết thế nào. Yến thẹn, đẩy Tài ra, mắng yêu “Cái cậu này kì cục”. Bị mắng mà Tài lại khoái chí, nghĩ sao mà có người cười duyên thế chứ.
Tài và Yến thân thiết được một thời gian thì 2 người chuyển công tác. Tài tham dự đội Du kích thoát ly của xã. Tính vốn năng nổ nên anh nhanh chóng được đề bạt làm tổ trưởng tổ liên trinh của đội. Được 1 năm thì đội của Tài chuyển lên thôn Liên Trì đóng quân.
May rủi thế nào nơi Tài đóng quân lại gần ngay nhà của Yến. Lúc này cô vừa đi học, vừa chăm sóc bà ngoại bị mù. Tài thấy thương nên cũng thường xuyên đến động viên. Khi thì tặng gói bánh, khi thì vài đồng bạc lẻ, lúc nghèo thì anh mang đàn qua ngâm nga hay tệ lắm thì cũng có bài thơ vụng về đem tặng. Cứ vậy một thời gian thì 2 người mến nhau. Mối tình ấy cứ quyến luyến, êm đềm, dịu dàng từng ngày làm vui cho chàng du kích trẻ.
Nhưng đất nước chiến tranh không phải là thời cho những mối tình đẹp. Năm 1949, địch tổ chức càn quét lớn vào Phú yên. Làng của Tài bị đốt cháy rụi, họ hàng chết không biết bao nhiêu người. May có nhà Tài là sống sót vì trước đó có phòng thân đào sẵn một hầm trú ẩn, tuy nơi thì nói vậy nhưng cũng bị thiệt hại nặng nề. Cả căn nhà lá mái cháy thành tro bụi. Tài đành tạm giác mối tình của mình để quay về làng phụ mẹ.
Thời chống Pháp trường kì kháng chiến có 3 giai đoạn: phòng ngự, cầm cự và phản công. Tài và Yến chia xa vào đúng thời điểm vừa kết thúc giai đoạn phòng ngự, bắt đầu chuẩn bị chuyển sang giai đoạn cẩm cự, giằng co với địch. Đảng chủ trương tăng cường cán bộ đi các hướng chiến lược, mà hướng chiến lược của khu 5 hồi đó một là Tây Nguyên, 2 là Nam Trung bộ tức là từ Khánh Hòa trở vào tới Bình Thuận, qua Lâm Đồng. Tài ngày ấy chí lớn cũng hí hoáy viết một bức thư xin được làm bộ đội, nhưng chí lớn chưa kịp gửi đi thì lại có tin mừng.
Khi đó vào khoảng tháng 9 năm 1949, Tài vẫn còn đang loay hoay chưa tìm cách thuyết phục ở trên cho đi bộ đội thì có người chú làm Bí thư ban cán sự Đảng của huyện Cheo reo thuộc tỉnh Daklak tạt qua thăm. Thấy Tài đang đan lưới sửa nhà, ông liền buột miệng hỏi: “Có muốn đi bộ đội ở Daklak chừng 2 năm không?”. Tài nghe vậy sướng quá, liền lật đật khăn gói đi theo chú lên Daklak, để lại quê nhà mối tình con con. Nghĩ chỉ 2 năm sẽ gặp lại nên cả anh cả Yến đều không suy nghĩ gì nhiều.
Nhưng nói thì nói vậy, mấy năm đầu xa nhau Tài nhớ lắm, Yến cũng vậy. 2 người khi ấy vẫn cứ thư từ thường xuyên. Được cỡ chừng 2 năm thì binh biến khốc liệt, liên lạc với nhau càng lúc càng khó khăn. Có một hôm Tài đi theo một tiểu đội 8 người băng rừng để đến điểm tập trung, Tài đi thứ 7. Đến một khúc gập ghềnh mọi người phải bước qua một thân cây to để vượt qua bãi đất. Bấy giờ chuyện địch gài mìn chìm trong rừng trở nên bình thường như cơm bữa. Tài bước qua cái khúc cây an toàn, nhưng người thứ 8 ngay sau Tài thì vấp phải mìn. Tài còn nhớ như in cảnh người đồng đội mình chỉ kịp kêu lên 2 tiếng “ôi trời” rồi bất tỉnh, ruột rà văng ra tung tóe cả. Từ dạo đó Tài cũng thôi luôn thư từ với Yến, nghĩ mình chẳng biết chết lúc nào, còn tâm trí đâu mà để yêu đương vào đầu.
Tài làm văn thư tại cơ quan văn phòng Ban cán sự Đảng tại Cheo reo. Công việc chủ yếu của anh là nhận các tài liệu mật rồi mã hóa, sau đó tùy tình hình thì lưu giữ lại chờ lệnh hoặc giao cho các cán bộ được chỉ định. Việc thì nhiều nhưng mà vui, tất thảy mọi người ai cũng hừng hực chuyên tâm vào công việc, không màng ngày đêm. Kể lại thì Tài cũng có vài kỉ niệm đáng nhớ trong quá trình hoạt động cách mạng. Có lần mấy anh đói quá vào buôn xin thức ăn, người đồng bào thương tình cho con gà. Nhưng gà rẫy thì thả chạy khắp cả xóm, người đồng bào bắt gà lại chậm hơn bên gián điệp chỉ điểm cho Pháp. Thế là bụng đói lại phải cuống cuồng trốn lính thực dân. Có bữa tình hình cấp bách anh buộc phải chôn tài liệu dưới đất để bảo toàn cơ mật, quyết có chết thì cũng chỉ chết một mình mình…
Cứ thế, Tài trưởng thành trong những năm bom đạn của đất nước. Nỗi nhớ ngày nào vẫn còn đó nhưng cứ dần vơi theo nhịp công việc và tiếng súng thực dân cứ nã bên tai hằng ngày. Rồi 4 năm thấm thoát trôi qua, trong cuộc họp tháng 11 năm 1953 của Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các chỉ huy quân sự quyết định xé lẻ khối quân chủ lực của Pháp đang co cụm đồng bằng Bắc Bộ. Các vị trí tiến công được xác định ở Lai Châu, Trung-Hạ Lào và Tây Nguyên. Tài khi đó đang là Liên tổ phó thuộc Chi bộ Văn phòng, Ban cán sự Đảng huyện. Anh liền cùng với các đồng đội vận động đồng bào Tây Nguyên đứng lên chống giặc, lập được nhiều chiến công lớn cho chiến dịch Chiến cục Đông - Xuân 1953-1954.
Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ dội vang cả dân tộc, Henri Navarre đại bại. Hiệp định Geneve được kí kết. Pháp quyết định lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới phân chia 2 miền Bắc Nam. Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương đi vào lịch sử dân tộc. Tài lúc bấy giờ đã là một chàng trai 22 tuổi, cứng cáp và rắn rỏi, đi theo quân đội xuống dự lễ chiến thắng của khu 5. Xong thì đội của anh đi vào Bình Định tập kết.
Có trong mơ Tài cũng chẳng nghĩ được rằng chính tại đây anh lại gặp lại Yến, cô bạn gái ngày nào, lúc này đang đi theo quân y, làm hộ lý cho một trung đội ở gần đó. Hơn 5 năm trời xa cách vụt qua như một cái chớp mắt, 2 người gặp lại ngọt ngọt bùi bùi. Lúc bấy giờ cả 2 đều đang ở độ tuổi chín muồi của đời người, cũng bắt đầu muốn biết được cái yêu nó tròn méo ra sao. Nên thử.
Được một thời gian thì mấy anh lớn ở trên bảo cưới. Ừ thì nghe. 2 người quyết định mượn một trường tiểu học ở Bình Định làm đám cưới. Có ông anh chồng chị thứ 6 của Yến làm chủ hôn, xem như đại diện cho cả gia đình quan viên 2 họ. Đám cưới giản dị và đơn sơ lắm, chỉ có mấy nghìn đồng bạc tem phiếu, đủ mua mấy bao thuốc lá và vài gói kẹo đãi khách, vậy mà cũng được xem là hoành tráng vào cái thời buổi ấy. Ai cũng chọc câu Tài có phước. Tài cười, người ta nuôi tình cũng được 6 năm rồi chứ bộ giỡn sao, phước này anh không hưởng thì ai hưởng? Phí.
Nhưng thời đại đất nước chiến tranh, không phải là lúc con người nói chuyện gia đình. Tài hiểu, Yến cũng hiểu. Cưới nhau được chừng 1 năm thì Tài – theo chỉ đạo của tổ chức – phải giả làm người Thượng để tiến về Tây Nguyên, vừa để trinh sát, vừa để hội quân với lãnh Đạo của Đảng ở gần đó. Còn Yến thì tiếp tục ở lại quân y, hoạt động trong quân khu 5. Trước khi chia tay Tài trao cho Yến một chiếc nhẫn, run run nói: “Mình nghĩ xa nhau chỉ có 2 năm, giờ binh biến khốc liệt, 20 năm chưa chắc có ngày gặp lại. Bà nhớ bảo trọng, nếu có nghe tin dữ từ tôi thì ngay lập tức tái giá. Đừng để lỡ thì, lại phải chịu khổ một mình”. Yến cười nhẹ, bảo: “Lỡ thì thì cũng lỡ từ 2 năm trước rồi. Ông cứ tập trung mà hoạt động cách mạng. Có duyên mình sẽ gặp lại”. Buổi chia tay ấy Tài lại là người khóc nhiều, nước mắt ướt một bên vai vợ. Yến ngăn dòng nước mắt, cứ yên lặng mà dỗ dành người đàn ông của mình.
Miền Nam những năm tháng ấy cực kì khốc liệt. Pháp vẫn thường xuyên nã đạn vào các địa phương, cướp đi sinh mạng của biết bao người. Ở quê Tài cứ thi thoảng gia đình lại có dăm bảy người hi sinh. Tình hình chính trị căng thẳng, cùng thành phố với nhau thư từ đã phải thông qua kiểm duyệt gắt gao. Huống hồ vợ chồng Tài và Yến mỗi người một miền. Chẳng thể nào mà biết được tình hình của nhau thế nào, họ chỉ có thể thầm cầu nguyên cho người kia vẫn ổn, mong đến một ngày đất nước thống nhất, rồi cái duyên sẽ đưa gia đình đoàn tụ.
Tháng 7 năm 1957, Tài cùng một đồng đội nữa được chỉ định theo lệnh đơn vị hộ tống một số cán bộ ra Hà Nội hoạt động và sinh sống. Bản thân anh cũng được biên chế cho ra đó khám sức khỏe, có bênh thì chữa, sau đó học tập và bồi dưỡng chính trị, xong thì quay lại vào trong Nam phục vụ.
Thời ấy cán bộ được gửi ra Bắc có 2 diện. Một là diện công tác giống như Tài và đồng đội, còn thứ 2 là diện “có vấn đề”, được gửi ra để kiểm tra và đào tạo lại tư tưởng. Nhà đón khách cũng theo đó mà có 2 cái, một cái công khai, sạch sẽ tươm tất dành cho những cán bộ vào Nam theo diện công tác. Cái thứ 2 thì bí mật, giống như một trại tập trung quân sự kiểu cũ. Chả biết giấy tờ số má thế nào, Tài và đồng đội lại bị lẫn sang diện thứ 2. Thế là 2 anh bị dồn vào nhà đón khách mật, cùng với một số phần tử “có vấn đề” và bị bắt đi lao động công ích suốt cả ngày.
Chí trai khi ấy gặp khó không sợ nhưng bị đối xử bất công thế thì căm lắm, nhưng biết làm sao được. Được chừng nửa tháng thì đồng đội của Tài chịu không nổi, anh em mới bàn nhau xin Cán bộ cho y lên Hà Nội trình bày với chính quyền. Xin cỡ gần 1 tuần thì nghe đâu được lãnh đạo chấp thuận. Đồng đội Tài liền khăn gói trốn lên Hà Nội “đòi công bằng”, nói rằng nhất định sẽ quay lạị và tận tay giải cứu cho Tài. Chuyện anh này đi thế nào được thì Tài cũng không rõ, chỉ biết rằng mấy tháng sau thì nghe tin anh ta ở luôn Hà Nội. Còn chuyện giấy tờ thì nghe chừng không giải quyết được. Tài chỉ còn biết lắc đầu thở dài.
Cứ vậy cỡ chừng 1 tháng sau thì khu tập trung của Tài có một cuộc “tổng sàng lọc” để gửi đi đào tạo sâu hơn. Nói nôm na là chọn ra 30 đồng chí “có thể tin tưởng được” để đưa ra Bắc rèn luyện lại tư tưởng và cho học sâu hơn, sau thì giữ lại phục vụ.Tài may mắn nằm trong số 30 người đó và được theo đoàn về Hà Đông để rèn luyện.
Lúc bấy giờ cán bộ người Nam ở ngoài Bắc nghe có người trong Nam vào thì quý lắm. Thấy đoàn của Tài người đông nên cũng có mấy người lại hỏi thăm tin tức. Trong số đó bộ ấy lại có anh Vinh, anh của Yến, cũng chính là người đã làm chủ hôn cho Tài và Yến ngày trước. Anh Vinh bấy giờ là cán bộ của ban Chính trị quân đoàn 120 – tức là trung đoàn Tây Nguyên ở Tây Nghệ An, về Vinh họp quân khu 4. Biết được Tài ra Bắc anh cũng bất ngờ. Nhưng tình hình chính trị phức tạp cũng chẳng cho 2 người nói chuyện với nhau nhiều. Tài chỉ kịp hỏi vài câu sức khỏe rồi báo là mình sẽ lên Hà Đông học. Xong đâu đó thì lại phải lên xe theo đoàn đi về trường.
Yến khi ấy đang làm tại bệnh viện của Tổng cục Giao thông ở Phủ Lý, nghe chồng lên Hà Nội thì mừng lắm, mới bèn nhờ anh rể xin cho được thư từ với chồng.May thay lúc ấy người ta cứ đinh ninh cán bộ ở đây chắc chắn sẽ ở lại miền Bắc phục vụ nên mới nởi lỏng, cho phép thư từ.
Tài khi ấy đã vào trường, cũng ở gần nơi vợ công tác bèn gửi thư hẹn gặp ở một nghĩa trang có tên là Quảng Thiện, cách trường chừng 5km. Không ngờ Yến nôn được gặp quá nên đến tân trường Tài. Hôm đó Tài vừa tan học ra về thì thấy ngay vợ đứng trước cổng trường, liền chạy lại ôm chầm lấy Yến. Vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Trong trường thấy thương nên cũng sắp xếp cho Yến một chỗ ở gần trường chừng 2 đêm rồi mới bắt về lại Phủ Lý.
Có một hôm nhà trường gửi xuống một tờ giấy khảo sát, trong đó có ô đề đạt nguyện vọng. Tài tức chí liền trình bày hết hoàn cảnh của mình như sau: “Tôi là cán bộ được tổ chức chỉ định hộ tống một số cán bộ ra Bắc sinh sống, bản thân thì ở lại khám bệnh và học thêm kiến thức để quay lại vào Nam phục vụ. Chính vì vậy nên hiện tại tôi không có nguyện vọng gì. Nếu tổ chức sắp xếp cho tôi ở trong này tôi cũng chấp nhận. Nhưng lệnh của tổ chức trước đó là sắp xếp tôi vào lại trong Nam”. Nhà trường của Tài đọc được bèn gửi giấy lên chính quyền. Bộ trưởng lúc ấy ngay lập tức cho gọi Tài và người đồng đội – lúc bấy giờ đang ở Hà Nội – lên thẩm vấn. Sau đó người ta kiểm tra lại giấy tờ và xác minh đúng là Tài khai thật. Vậy là ngay ngày hôm sau bộ Quốc phòng cho xe lên tận trường đưa Tài về Hà Nội. Yến cũng được chuyển công tác về bệnh viện Bạch Mai để được gần chồng.
Tháng Giêng năm 1959, Tài và Yến có cho mình đứa con đầu lòng, đặt tên là Oanh. Cuộc sống vợ chồng yên ấm hạnh phúc. Vợ đi làm, chồng đi học. Chỉ phiền nỗi vì yếu tố bí mật nên địa điểm học của Tài bị chuyển liên tục, từ Hàng Chuối, ra Yên Phụ,… cho đến tận sân bay Gia Lâm, hơi bất tiện cho việc đi lại.
Nhưng rồi sóng gió cũng ập đến, Tài kết thúc 1 năm thử thách và phải quay lại vào Nam theo đúng chỉ thị. Lúc này anh có 2 lựa chọn, một là giả vờ “có vấn đề” để được giữ lại Hà Nội, chung sống với vợ con. Hai là theo đúng kế hoạc trở về Daklak và chấp nhận bỏ lại thủ đô gia đình của mình. Khi ấy có người còn mách nước cho Tài cách luồn lách để thanh tra không phát hiện ra. Nhưng cuối cùng thì Tài cũng phớt lờ tất cả, anh chọn đất nước, chọn lí tưởng, chon cách mạng, chọn Daklak - quê hương thứ 2 của anh, bỏ lại vợ và cô con gái đầu lòng chưa tròn một tháng tuổi.
Lần này đi Tài cố nuốt nước mắt vào trong tim nhưng Yến thì không. Làm mẹ khiến con người ta yếu đuối hơn một tẹo, không còn chai lì và bao dung như ngày trước nữa. Cô khóc và trách Tài rất rất nhiều.
Tài đi vào đúng ngày Oanh bị thủy đậu, Yến phải thức suốt đêm chăm sóc con ở bệnh viện. Lúc cái xe hộp cũ kĩ ì ạch đi ngang qua bệnh viện Bạch Mai thì trời đột nhiên mưa tầm tã. Tài mở kính xe để nước tát vào mặt mình, làm nhòa đi thứ cảm xúc mằn mặn anh đang cố kìm nén. Tài biết rằng ở xa kia là vợ và con gái của mình đang vật lộn vì bệnh tật, là 2 tình yêu anh dành nhiều hơn 2 phần trong tim. Nhưng cũng như bài thơ Từ Ấy ngày nào Tài thuộc lòng: “Anh dành cho Đảng phần nhiều…”. Tài đi vì biết có nhiều hơn 2 người đang cần anh ở cách đây hơn 1000 cây số.
Tài trở về lại Daklak, làm Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh ủy, tiếp tục ở lại nằm vùng hoạt động tại các xã Đất Bằng, Chư Drang thuộc huyện Cheoreo – Daklak, một thời gian sau anh được đề bạt làm Bí thư tỉnh, và là thành viên thường trực của Tỉnh ủy tỉnh Daklak, trực tiếp vận động đồng bào kháng chiến chống Mỹ.
Và cuộc sống của Tài lại bị cuốn vào bom đạn, anh bắt đầu cận kề với tử thần nhiều hơn. Tài bắt đầu nằm vùng nhiều, lấy bí danh là AmaH’Oanh (Có nghĩa là cha của Oanh). Có mấy lần đồng bào phục rượu anh hòng bắt sống, Tài vẫn cố gắng giữ mình và đột phá khỏi vòng vây của quân thù. Có những lúc Tài bị chính đồng đội của mình phản bội nhưng anh vẫn thoát qua đường tơ kẽ tóc. Cứ như vậy Tài lại càng thêm cứng cáp và chai lì.
Về phần Yến, sau khi chồng ra đi. Cô gạt nước mắt gửi con sang Trung Quốc học theo tiêu chuẩn của nhà nước, khăn gói lên Hải Phòng học bổ túc y sĩ. Đến năm 1964, người ta điều động một số y sĩ vào Nam và chuyển tới những khu vực tập trung riêng. Yến có chồng ở Daklak nên khi kê khai lý lịch người ta chuyển cô về ban Dân y khu 5 thuộc Daklak.
Cùng một tỉnh nhưng Tài và Yến vẫn chưa được gặp nhau. Yến hoạt động y tế ở trên trạm hành lang, còn Tài lúc này đang là Bí thư huyện Lak, hoạt động chủ yếu ở Lak – mũi phía Nam của Tây Nguyên.
Có một lần đồng chí Ama Việt – huyện ủy trưởng của huyện Lak có việc lên trung tâm. Yến liền tranh thủ gửi chồng một cái áo len màu xanh lục. Đến lúc đó Tài mới biết vợ mình đã lên Daklak. Mắt anh cay xè. Tài cẩn thận cất chiếc áo vào trong một ngăn tủ. Tự hứa với lòng mình đợi độc lập sẽ lấy ra mặc cho vợ mừng.
Mãi đến cuối năm 1965, khi Nam Daklak và Bắc Daklak hợp nhất, Tài và Yến mới được gặp nhau ở khu 5, điểm giao giữa 2 tỉnh bị tách lìa. 2 năm trời thời 17 nay đã sắp được 20 năm. Mọi thứ đã thay đổi. Nhưng lòng người vẫn vậy. Tan rồi hợp, 2 vợ chông giờ chỉ còn đợi đất nước thống nhất, đón cái Oanh về là gia đình xem như đoàn tụ.
Mậu Thân năm 1968, Mỹ đánh úp, khiến cho phần lớn quân chủ lực của Tỉnh bị bắt và giết hại. Tổ chức trở nên loạn, Tài phải cùng anh em tái cơ cấu lại lực lượng nòng cốt, xây dựng binh lực để hòa mình vào Tổng khởi nghĩa của dân tộc, anh đành gửi vợ lại cho đồng đội coi sóc rồi chạy ra chiến trường dẫn đầu cách mạng. Thân người chiến sĩ chả biết mất đi lúc nào. Được gần 30 ngày đêm thì khởi nghĩa kết thúc. Tây Nguyên thắng, dù vẫn còn nhiều tồn đọng chưa dứt điểm. Một chiều mưa Yến đang cho con ăn thì Tài bước vào, ướt sũng nước, môi nở nụ cười, anh ôm chầm Yến vào lòng trong hạnh phúc. Tháng 6 năm ấy con trai Tài ra đời.
Cuối năm 1973. Tuấn Anh (con trai của Tài) bị ốm nặng. Yến phải một mình bế con trai mình lên Hà Nội chữa bệnh, tiện thể đón cái Oanh về nhà. Trong thời gian đó, Tài ở lại vận động người dân và các thành viên của Lực lượng chính trị chuẩn bị vũ khí và tinh thần để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền 1975.
Năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tài dẫn đầu Lực lượng chính trị tiến vào Buôn Ma Thuột, theo chân bộ đội vận động quần chúng, kêu gọi tù hàng binh, tiếp quản các cơ sở địch tháo chạy, cứu thương, cứu sập chống cháy nổ trong thành phố,… Lực lượng chính trị của Tài đã có mặt kịp thời, góp phần không nhỏ cho chiến thắng Buôn Ma Thuột. Sau này là ở cả Huế, Đà Nẵng,…
Chiến tranh kết thúc sau bao nhiêu năm dài đằng đẵng. Cả đất nước hòa vào niềm vui đại thắng. Sau hiệp định Paris, Yến trở về cùng Oanh và Tuấn Anh. Tài cùng gia đình của mình đón ngày đất nước độc lập. Lúc này đời người cũng tự nhiên buông một tiếng thở phào. Anh nhìn gia đình mình. Vậy là tại đây, đất Buôn Mê này, anh sẽ có được giấc mơ mà mình vẫn luôn mơ từ thời niên thiếu.
Với Tài, câu chuyện tình yêu ngày nào với 20 năm ly hợp đã có một cái kết mà anh chưa bao giờ nghĩ có thể có được, cũng như anh chưa bao giờ mình sẽ sống đến ngày nhìn đất nước hòa bình. Rồi mai những đứa con của anh cũng sẽ lớn lên, chúng sẽ tự viết cho mình câu chuyện của chúng, nhưng mà nó sẽ không còn đen ngòm mùi khói bụi và đầy tang thương như anh ngày trước nữa. Và biết đâu rồi chúng nó sẽ yêu, và anh sẽ ngồi với chúng nó và nói rằng: “Bố mẹ mày đã yêu nhau trong bom đạn vậy đấy. Hãy biết quý trọng tình yêu của mình dù có bất cứ chuyện gì xảy ra” nghĩ đến đây Tài bất giác nở một nụ cười…
Kết
Ông nội tôi chầm chậm đưa điếu thuốc lên môi, thở ra một làn khói mờ rồi trầm ngâm nhìn ra ngoài đường đang lún phún mưa bay. Tôi vẫn ngồi đấy ngay từ khi câu chuyện bắt đầu, tròn xoe mắt nghe đến một chuyện tình mà chưa bao giờ tôi mường tượng ra suốt hằng ấy năm trời.
Ông và bà tôi yêu nhau năm 16 tuổi và cưới nhau năm 22. Nhưng khoảng thời gian đó là bao nhiêu biến cố. Rồi đến được với nhau xong cũng chẳng được gần nhau, cứ li rồi hợp. Tôi buột miệng hỏi tại sao ông và bà lại có thể yêu nhau sau bao năm trời xa cách như vậy. Ông lại hút thêm một hơi thuốc, nhắm mắt lại như thể nghĩ về một điều gì đó, rồi ông cười và nói: “Cái thời ấy, yêu cũng là một động lực để ta phấn đấu, để cho mình xứng đáng với người kia”.
Tôi cười xòa. Tôi không hiểu lắm ở thời ông chữ động lực nó lớn đến mức nào, nhưng tôi biết đặt lên nó đôi khi là cả sinh mạng. Ở cái thời đại này, mấy ai làm được như vậy? Vì một tình yêu thâm chí không rõ có được ngày nhìn thấy nhau mà cố gắng hết mình? Tôi nghĩ đến bản thân mình ngày trước, cũng có lúc lấy tình yêu làm động lực phấn đấu, nhưng mà có vẻ như tôi vẫn còn non nớt thật, chưa đạt được gì đã đánh mất luôn cả động lực rồi.
Tôi so sánh 2 thời đại. Ở cái thế kỉ này, mọi thứ nhanh quá, nên xúc cảm của người ta cũng bị dồn nén. Nhiều thứ những người luống tuổi ngày trước phải trải qua cả bao năm trời để chiêm nghiệm, ta lại chỉ cần một ngày là đã kinh qua. Hoặc chí ít là ta tự nghĩ vậy.
Có một lần ông đã nói với tôi đại ý rằng: “con người bản ngã là thích chiến tranh”, vậy nên khi hòa bình ta tự tạo chiến tranh cho cuộc sống của mình. Chính vậy nên cuộc sống cứ phức tạp thêm theo nhịp phát triển, khi mà vật chất ngày càng đầy đủ hơn thì người ta tranh đấu về tinh thần, và khi tranh đấu với người ngoài không đủ thì họ lại quay ra tranh đấu với chính người mình yêu thương nhất. Tôi có cảm giác những nỗi lo chưa hẳn đã là thật khiến cho những câu chuyện tình đôi khi mất đi cái trong sáng của nó.
“Nhưng bao nhiêu điều ập tới từ cuộc sống như vậy mà trái tim vẫn chỉ nghĩ đến một người, dù là không gặp mặt, dù là không có những dòng thư, thậm chí đôi khi là một tin tức. Thực sự là đáng khâm phục”
Ông im lặng. Tôi cũng im lặng.
Tôi nhìn ra ngoài đường, xe cộ đang mờ dần trong mưa, rồi lại nhìn vào mắt ông. Tôi tự hỏi đôi mắt này đã nhìn thấy những điều gì. Như con đường trước mắt tôi lúc này, hẳn ông phải nhìn nó từ lúc đó chỉ còn là cây cối rậm rạp, rồi những con đường thành hình; Rồi con đường ấy cứ ngày một rộng ra, hiện đại ra; Rồi những cột đèn bọc xi măng nhìn-như-gỗ mọc dần lên; Rồi cả thành phố cứ thế lớn theo từng con đường như vậy…
Tôi nhớ đến con đường này trong mắt tôi những thuở ấu thơ, len lỏi trong ánh nằng vàng dưới cái nôi màu hồng cùng tiếng ông vang vang: “đây là đường…”, tôi nhớ cây cổ thụ to đùng trước cổng, nhớ những con đường thô sơ đôi lúc tối mịt vì điện cúp, … tôi nhớ cả những làn gạch được xây lên, rồi cái cây bị đốn, tôi nhớ về cái sạp giầy của ông anh trước cổng nhà và những mùa hè ríu rít với anh em dưới cây xoài cùng giàn hoa giấy màu hồng phấn… mọi thứ khiến lòng tôi như tan ra mỗi khi nhớ về những ngày tháng ấy. Chúng cho cuộc đời tôi đầy ắp kỉ niệm và một niềm tự hào không thể quên đối với mảnh đất này. Tôi nghĩ đến đôi mắt kia đã nhìn thấy và ghi lại còn nhiều hơn tôi gấp mười lần như vậy. Bỗng chốc tôi rùng mình vì những xúc cảm kính phục và yêu thương.
Rồi tôi ngước lên trời, giàn hoa giấy rung rinh trước gió, vài cành hoa khẽ rơi xuống mặt đất.
“Con yêu giàn hoa giấy này. Thật may là nó vẫn còn lại sau tất cả”
Ông cười. Tôi cũng cười.
Và tôi nhận ra, cái tình yêu mà tôi bị ám ảnh mỗi khi về Ban Mê không nhất thiết lúc nào cũng phải là dành cho một người con gái.
Buôn Ma Thuột 3/5/2014
Sài Gòn 22/12/2014
Hí hoáy ghi,