Thực ra cái tiêu đề có liên quan đến bài viết, nhưng nó lại không phải cái chính tôi muốn nói.
Ở trên cái cover bài viết là một khoảng sân sau trường cấp 3 của tôi, nó được chụp cách đây khoảng gần 1 năm, khi tôi về thăm nhà 30/4 và cùng thằng bạn lẻn vào thăm trường xưa.Tại cái trường ấy, tôi và thằng Sạch cùng nhiều thằng khác đã khám phá hết đủ các thể loại xó xỉnh mà loài người (và cả chó) có thể vươn mình tới được. Khám phá trường đã trở thành sở thích của tôi từ tồi cấp 2. Tôi còn nhớ năm 12, tôi cùng mấy đứa bạn leo rào vào trường để nhậu, bẻ khóa để mở cổng cho mấy đứa con gái trong nhóm.
Đêm hôm đó chúng tôi lang thang rồi ngồi nhậu ở sân bóng, lấy mấy bộ bàn ghế hư ở gần sân điền kinh làm củi nhóm lửa. Sáng ra chú bảo vệ đi tuần nhìn thấy cả đám, chực tóm lại nhưng thấy mặt tôi, nhớ ra thằng này từng nhậu với mình nên chỉ hỏi han rồi bảo về. Mãi sau này chú mới bảo rằng nghĩ chúng mày chỉ trèo rào vào nên chú tha chứ biết mày đập ổ khóa là lên phường đéo bàn cãi rồi con ạ. Đó hẳn nhiên không phải lần duy nhất chúng tôi lẻn vào trường, qua đêm và khám phá những ngóc nghách “lạ” mà gần như không ai biết được.
Hồi mới lên đại học, nhìn trường to vãi, điều đầu tiên thôi thầm nhỉ là có tới 4 năm, mình sẽ khám phá cho kỳ hết những ngóc nghách của cái trường này. Nhưng không, 4 năm mài đũng quần với ghế giảng đường, tôi quên bẵng mất mấy “trò con nít”, ngày qua ngày chỉ vội vào trường rồi vội về. Thành tựu đáng kể nhất có chăng chỉ là leo lên được cái sân thượng dãy nhà D ở Đinh Tiên Hoàng. Còn lại, tôi thật chẳng có ý niệm gì đặc biệt về trường đại học của mình.
Đến lúc này thì cho tôi kể một chuyện nhỏ.
Hôm vừa rồi đi học lại, tôi mơ màng với những tư tưởng dài dòng của Bác Hồ về vấn đề dân tộc mà vứt lại trong hộc bàn quyển “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất” kèm quyển sổ đen sếp cũ tặng mà tôi rất quý. Cả trưa hôm đó tôi đi hỏi han trong vô vọng như một thằng dở người.
Chiều, tan lớp thể dục, tôi chạy qua phòng tạp vụ gặp được đúng cô lao công dọn dẹp lớp học, cô cười bảo đi theo cô lấy sách. 2 cô cháu đi về phía nhà B, đến tầng 3, chúng tôi rẽ vào một cánh cửa sắt có khóa. Nhà B tầng nào cũng có một khu như vậy, hồi năm nhất tôi cũng hay thắc mắc sau mấy cánh cửa sắt đó là cái gì. Có lần tôi nghe kể, trước thì đó có vẻ là cái nhà vệ sinh, nhưng sau không xài thì gắn thêm cái cửa khóa lại làm kho. Mẹ bà sách mình vứt vào cái kho ngày trước là nhà xí, đúng cái đời.
Thế nhưng, điều khiến tôi bất ngờ là ngay trong cái phòng vệ sinh ấy, có 2 chiếc giường xếp nằm song song nhau với những mùng mền được gấp gọn gàng và vuông vắn, ở giữa có một cái ghế xếp làm bàn, trên ấy là 2 cuốn sách của tôi nằm chễm chệ. Hóa ra những người lao công ở trường tôi hay nghỉ trưa trong cái “nhà vệ sinh” ấy, thi thoảng còn qua đêm. Tức là cô lao công cũng chẳng có ý vứt sách tôi vào kho hay quẳng vào nhà xí, cô chỉ đơn giản là mang về “phòng” của mình cất hộ kẻo người khác lấy mất. Tôi cúi mặt nhận sách, cảm ơn cô rối rít rồi chạy về, chợt nhận ra trường mình còn rất nhiều điều mà tôi không biết được, hoặc sống vội nên quên không kịp để tâm.
Rồi tôi mới nhớ ra, hôm trường có chung kết liên hoan tiếng hát sinh viên, tôi chần chừ ở lại cũng chỉ vì muốn thử cảm giác qua đêm ở trường một lần, để mót lại vài kỉ niệm cuối đời sinh viên. Đêm đó đi lang thang, thằng bạn tôi bảo nếu không nhờ liên hoan, chắc tụi mình chả bao giờ qua đêm ở Thủ Đức. Khi ấy tôi chỉ nghĩ nó nói đúng, nhưng giờ thì tự dưng tôi thấy đó là một điều rất ý nghĩa. Ít ra tôi cũng được làm những điều hồi cấp 2 cấp 3 từng làm, cũng có uống (dù chỉ một ít), rồi đi lang thang quanh sân trường, ngủ qua đêm ở dưới nền đất, nghĩ về những thứ lãng mạn tào lao chỉ đám thanh niên thừa vật chất mới có thời gian tơ tưởng.
Đêm đó không quá đặc biệt, nhưng tôi nghĩ mình sẽ nhớ hình ảnh bộ xậu Hàn Lâm ngồi nhăn nhó và nói vớ vẩn xong tản ra mỗi đứa một nơi, hay cảm giác hụt hẫng khi báo chí được xướng tên lên nhận giải 3, thật ngưỡng mộ khi mọi người hết mình vì một trò chơi nào đó.
Còn nhiều thứ nữa để tôi kỉ niệm đêm liên hoan văn nghệ sinh viên đầu tiên và cũng là cuối cùng của mình, như hình ảnh cả đám trẻ ngồi đàn và hát, cảnh thằng bạn mình ngượng ngùng hẹn cô người yêu đi tâm sự, show cover K-pop vừa dễ thương vừa gợi cảm của mấy đứa con gái, hay đoạn con em mập thù lù xù xì xấu xí ngồi bệt xuống cạnh mình, trệu trạo nhai singum nhưng ít nhất nó không còn phải gồng mình cười. Và đặc biệt, giờ phút khi cả đám tản đi, chỉ còn 2 đứa con trai, thằng Thiện đã nói: “Giờ thì đúng là tao lên trường là để chơi với mày”.
Rốt cuộc, dù có nói bao nhiêu lần thì thời gian vẫn như chó chạy, nhanh và chẳng biết đường nào mà lần. Rồi đôi lúc có những thứ như quyển sách bị mất khiến tôi quay đầu lại và lục lọi xem liệu mình có quên làm điều gì trong suốt thời gian rượt đuổi với Sài Gòn.
Trong cuốn sách tôi xém nữa đã làm mất, có nhân vật chính là một ông già trăm tuổi, người đã bắt đầu chặng hành trình ra khỏi thành phố nơi mình sinh ra từ khi còn trẻ chỉ để đi tìm một công việc đủ để có cơm ăn và Vodka uống mỗi ngày. Nhưng loáng cái hơn mấy thập kỉ trôi qua, ông già đã trôi dạt khắp thế giới. Đến khi đã sống được 1 thế kỉ, đạt được một thứ bình an nhất định, ông lại trèo qua cửa sổ bỏ trốn khỏi sự an toàn để dấn thân vào một cuộc phiêu lưu chưa hề biết đích đến. Nếu bạn hỏi tôi lão già đó tìm kiếm cái quần què gì, thì tôi chỉ có thể đoán chừng là hạnh phúc.
Nói chung, tôi giống ông già trăm tuổi, mong muốn những điều đơn giản, nhưng đời lại không cho ai sống dễ dàng. Thôi thì cứ cố gắng tìm tòi nhiều nhiều một chút, phiêu lưu nhiều nhiều một chút khi còn có thể, bởi hầu hết con người, đâu có mấy ai sống đến tuổi 100 để mà còn phiêu lưu.
Sài Gòn 30/3/2016