Đã bao giờ bạn cố có một mối quan hệ mà biết chắc nó sẽ kết thúc? Và trước khi thời khắc đó diễn ra, bạn từng giây từng phút đều trân trọng mọi xúc cảm, để rồi đôi lúc sự bình yên diễn ra quá lâu và bạn quên bẵng đi rằng rồi mọi thứ sẽ phải dừng lại. Bạn mong rằng mình sẽ không bao giờ phải đối mặt với ngày chia tay?
Tôi vẫn thường nghĩ rằng những mối quan hệ đó thật đáng sợ. Chẳng có lí do gì để vun đắp những thứ rồi sẽ không phải là của mình.
---
Ngôi nhà của tôi rao bán đã được 5 năm. Lí do để gia đình tôi đưa ra quyết định này tôi không muốn nhắc lại, nhưng đôi lúc nó vẫn còn lởn vởn trong giấc mơ của tôi về một tuổi 16 không êm đềm. Những năm lớp 11 ngôi nhà lạnh lẽo và ngột ngạt, không khi tù túng khiến mọi thứ trở nên điên loạn theo nhiều cách. Tôi luôn hiểu rằng khi một căn nhà không còn là thứ gắn kết những thành viên, nó buộc phải ra đi, đó là một quy luật tất yếu.
Nhưng chia tay là việc chẳng bao giờ dễ dàng, nhất là với một thứ đã gắn bó với mình ngay từ những ngày còn thơ bé. Ngày cuối cùng của tháng 5, tôi hay tin từ mẹ rằng ngôi nhà chính thức không còn là của mình nữa. Và đó là lần đầu tiên trong suốt 4 năm trời, tôi mới sực nhớ ra rằng rồi ngày này sẽ phải đến thôi. Hôm ấy tôi thả mình sõng soài trong một căn phòng tại Đà Nẵng, nín nhịn những cảm xúc bần thần khó nói ra. Em tôi hôm ấy đã khóc. Bạn sẽ khó mà cười nổi khi nhìn một thằng con trai 17 tuổi khóc vì sự chia ly quá bất ngờ.
Tôi nhớ thuở còn nhỏ, trước khi được xây nên, nhà của tôi là một khu đất được ông bà dựng làm bếp. Khu đất vừa to vừa rộng như một cứ địa để tôi thỏa chí tung hoành. Rồi mùa hè lớp 5 bố quyết định xây nó thành một ngôi nhà. Căn nhà mới xây to oành còn tôi thì nhỏ bé, lọt thỏm trong không gian đầm ấm của gia đình 4 người.
Căn nhà của tôi già đi với con đường chính của thành phố, gia đình tôi cũng vậy. Ngày ấy đường rộng càng làm tôi trở nên cô đơn giữa những tòa nhà cao tầng của khu đô thị trung tâm. Trường cấp 2 của tôi năm ngay đối diện nhà. Ngày qua ngày tôi đi bộ qua giải phân cách để đến trường cách chừng 300m. Chỉ là vài bước chân nhưng sao cũng thấy xa kì lạ. Những này tháng cứ lang thang đi học, ngắm nhìn đường phố Buôn Mê lớn lên theo từng năm tháng, đến hết ngày lại lon ton về nhà là kỉ niệm bình yên nhất của tôi về một tuổi học trò vô lo vô nghĩ.
Tôi thương nhất giàn hoa giấy màu hồng phấn trước nhà và cây xoài chua ông nội trồng trong vườn. Những mùa hè năm cấp 2 anh em chúng tôi cùng nhau chơi đùa trước sân, những quả xoài được lấy ra làm vật cá cược. Tôi quên sao được những phút khóc lóc cãi vã vì mấy trò đen đỏ như cờ bạc tôi chả bao giờ lại ai, tôi nhớ những lúc tập xe đạp lạng qua lạng lại rồi chổng vó trước cổng, có những chiều đánh nhau thằng em tôi bê bết máu chạy ùa về nhà từ công viên, miệng không ngớt réo mẹ dạy cho thằng anh điên khùng một trận. Đến tối 2 anh em tôi cùng ông anh họ lại mạy mọ vặn cái radio của ông, tìm cách bắt trộm sóng Xone FM của Gia Lai để được nghe nhưng bài hát quốc tế. Những mùa hè ngọt như mùi xoài vừa chín tới ngập trong nắng Ban Mê thuở con con còn loay hoay cắp sách đến trường.
Những năm Tây Nguyên bạo động, người đồng bào do tướng Ksor Kok kích động kéo lên thành phố đòi lập nhà trước tự trị Dega. Quân nổi dậy kéo đến đánh chiếm Đài truyền hình ngay sát nhà tôi. Căn nhà khi ấy nằm giữa tâm bão, là nơi trú ẩn của không biết bao nhiêu cảnh sát bị dính hơi cay, không ngày nào là không bị đá ném vào. Ấy vậy mà nhà của tôi vẫn đứng vững như một pháo đài bất khả chiến bại, anh em tôi thích chí đừng từ trong nhà nhìn ra con đường trung tâm – khi đó là một chiến trường đầy rẫy bom hơi cay và đá tảng, lòng không khỏi tự hào về ngôi nhà của mình.
Rồi tôi lớn lên, bắt đầu đi những cung đường mới, căn nhà trở thành một chỗ trú ẩn để tôi bò về dưỡng sức. Những năm đi học đại học, mỗi khi mỏi mệt tôi lại ra bến xe miền Đông mua đại một chuyến xe Sài Gòn-Buôn Mê bất kì để có thể về nhà. Xe bao giờ cũng thả tôi ở cây xăng trung tâm, cho tôi cơ hội đánh một vòng quanh công viên gần nhà và hít thở mùi Ban Mê buổi sớm, rồi sau khi hít no một bụng tôi sẽ đẩy cổng bước vào nhà. Bà bao giờ cũng đón tôi trước sân bằng một cái ôm, rồi đến mẹ chờ sẵn ở cửa phòng khách. Gian bếp quen thuộc lúc nào cũng được mẹ chuẩn bị tươm tất để đón cậu con trai về.
Ông nội ở rẫy nên có cháu về thì mới lên thành phố. Cứ mỗi lẫn lên ông cháu tôi lại cùng ngồi trên băng ghế sô pha đặt trước nhà, đối diện dàn hoa giấy, nhìn ra ngoài đường đầy những xe cộ tấp nập. Rồi ông sẽ kể cho tôi những câu chuyện từ ngày xưa, những chiến công lẫy lừng và nghị lực phi thường của người lính, về cả mối tình gian truân của ông và bà. Những câu chuyện hiện về trong khói thuốc nhắc tôi luôn nhớ rằng mình phải luôn mạnh mẽ để xứng đáng vì những hi sinh của người đi trước.
Ở nhà tôi có một vương quốc riêng, đó là căn phòng nằm trên tầng 2, tách biệt với phần còn lại của cả nhà. Phòng của tôi yên tĩnh vừa đủ, chỉ cần khẽ mở cửa sổ là những cơn gió nhẹ lại lùa vào, chậm rãi như một đứa con nít lén lút về nhà khi đã quá giờ giới nghiêm của mẹ, mang theo dư vị của đất và đôi khi là một phần cái trong lành vẫn còn vương lại sau cơn mưa, đọng trên cỏ và những bụi hoa cẩm tú cầu ai đó trồng gần nhà. Tôi nhớ những đêm chong đèn thức trắng để ôn thi đại học và làm những thứ linh tinh, rồi khi stress hay muốn suy nghĩ gì tôi lại mon men ra phía cửa sổ, ngồi lên bệ cửa rồi nhìn xuống lòng đường, đôi lúc nghe vài bài nhạc quen thuộc hay đọc mấy cuốn sách dày cộm của bố, nghĩ về tất tần tật những thứ làm tôi bận lòng…
Sáng hôm qua tôi nói chuyện với em mình, căn nhà đã bắt đầu được sửa sang lại để dành cho mục đích mới. Tôi thả người xuống đất lim dim nghĩ ngợi, tiếng cưa đục mà tôi tưởng tượng ra lại vô tình nhắc tôi nhớ lại nhiều kỉ niệm của những ngày cũ kĩ. Căn nhà ấy đã từng cùng tôi lớn lên, nó ôm ấp những câu chuyện của tuổi học trò và những giấc mơ manh nha to lớn, nó là tụ điểm vui chơi của lũ bạn chí cốt, nó là một phần của cuộc đời tôi với biết bao thăng trầm to nhỏ. Giờ tôi và nó, mỗi người sẽ có một chặng hành trình riêng của mình.
Cuộc sống là tổ hợp của những biến động, có những khi mình phải chấp nhận sự chia ly. Kể từ giờ, thi thoảng tôi sẽ nhớ về căn nhà số 2B Nguyễn Tất Thành như một chiếc hộp chứa những kỷ vật vô hình và vô giá của Ban Mê vào tuổi được coi là chưa trưởng thành.
Tôi không phải là một kẻ vị kỉ và quá sở hữu, vậy nên đối với một chiếc hộp kỉ niệm như vậy, tôi chỉ muốn nói lời tạm biệt nhẹ nhàng và đơn giản rằng:
“Tạm biệt, chúc may mắn, cảm ơn vì đã luôn ở đây”.
Và đó là nơi tôi từng-gọi-là-nhà.
Sài Gòn 14/6/2015