Tôi hồi 20

Tôi hồi 20

GIA ĐÌNH MÌNH


Hôm nọ bố lên Sài Gòn. 2 bố con đi uống với nhau ngà ngà say rồi bố kêu tôi vào 1 quán cà phê ngồi tâm sự. Có một câu bố hỏi làm tôi cứ mãi suy nghĩ đến tận bây giờ: “Con chỉ mới nhận ra ý nghĩa của gia đình gần đây đúng không?”
Những ngày còn học cấp 3. Tôi luôn là một đứa thích rong chơi, cứ mải mê chạy theo những chuyến đi vội, thích bù khú với bạn bè. Có nhiều khi tôi cố tình quên đi những bữa cơm nhà mẹ nấu. Những ngày đó tôi thực sự là một đứa con trai ích kỉ và vô tình.
Lên Đại học, xa gia đình, những bữa cơm qua loa ngoài tiệm, những cơn sốt li bì giữa đêm khiến tôi tự nhiên nhớ gia đình tha thiết, tôi tự trách mình đã quá lãng phí những món ăn của mẹ và vòng tay chăm sóc ngày còn ở nhà. Sự vị kỉ thượng đế ban cho con người thể hiện ở chỗ họ trân trọng nhiều hơn những gì mình không có được. Nhưng tôi đủ hiểu rằng nỗi nhớ về một cuộc sống sung túc cũng không khiến con người tôi trở nên bớt ích kỉ hơn chút nào. Đến lúc ấy, tôi vẫn chưa nhận ra được ý nghĩa của gia đình, đúng như lời bố nói.
Nhưng rồi cái ngày tôi về lại nhà sau nửa năm lên Sài Gòn học đại học, bà ra đón tôi bằng một cái ôm thật chặt, mẹ dọn phòng tinh tươm và sạch sẽ, thức ăn còn tươi nguyên trong bếp đang làm dở, mắt mẹ đỏ hoe. Đến lúc ấy tôi mới chợt nhận ra gia đình đẹp đẽ và đáng trân trọng đến mức nào.
Còn nhớ ngày nhỏ, tôi vẫn luôn tự hào về gia đình của mình. Tôi có gần như tất cả những thứ gì tôi muốn, bonus thêm cả thằng em mập ù để nghịch. Mẹ chăm lo cho tôi từng chút một, bố cho chúng tôi tôi những món đồ chơi siêu nhân đắt giá, ông và bà thương cháu vô cùng. Thuở ấu thơ gia đình không chỉ là nơi tôi lớn khôn mà còn là một biểu tượng để tôi tự hào.
Tôi từng nghe lỏm bố bảo thế này: “Đặt tên nó là An Nhiên là đúng an nhiên thật. Cái gì cũng cứ an nhiên, chả có cái gì”. Tôi không vui vì câu nói đó nhưng nó lại không sai. Suốt một thời cấp 1, cấp 2 và cả những năm đầu cấp 3, ngoài 2 thiên chức bẩm sinh là ăn và ngủ tôi chỉ biết rong chơi và học tập, mọi thứ đều bình thường, chẳng có gì nổi bật. Tôi chẳng phải lo toan về bất cứ thứ gì, đơn giản bởi lẽ khi đó gia đình đã là tấm lá chắn quá tuyệt vời.
Nhưng rồi sóng gió ập tới. Năm tôi học lớp 11, gia đình xảy ra chuyện. Mọi thứ vụn vỡ, gia đình tôi luôn tự hào sụp đổ. Cả căn nhà như bị quét qua bởi một cơn bão. Tan hoang, chia rẽ. Nhưng ngày ấy căn nhà của tôi lạnh lẽo đến đáng sợ. Mọi người đều có những nỗi lo riêng. Còn tôi và em trai lơ ngơ, trách móc. Tuổi 16, cậu trai An Nhiên vẫn còn đang vô tư và ích kỉ buộc phải lớn.
Mọi chuyện rồi cũng trôi qua, căn nhà của tôi trở lại sự bình yên vốn có, dù chỉ là tương đối. Một lúc nào đó tôi nhận ra chính những khó khăn lại giúp tôi thoát ra khỏi cái vỏ bọc an toàn vốn có của mình. Nó cho tôi động lực để cố gắng nhiều hơn vì mẹ, vì em trai và vì cả ông bà. Nó giúp tôi tìm ra mục đích sống cho riêng mình.
Và hơn thế nữa, trong những ngày giông bão đó, dù mọi thứ có bộn bề và áp lực, gia đình vẫn luôn lo lắng cho tôi, có những câu chuyện mọi người cố nén lại trong lòng vì sợ tôi và em bị ảnh hưởng. Có những lúc khó khăn mẹ chẳng kể ra vì muốn tôi tập trung vào việc học. Trong gian nan, gia đình dạy cho tôi biết trân trọng tình yêu thương và biết cách để trưởng thành.
Đến giờ,cứ mỗi khi tôi thu mình lại vì những lo toan, những so đo thấp hèn, cô độc và trơ trọi giữa Sài Thành rộng lớn, tôi vẫn luôn thấy an lòng khi nghĩ rằng phía sau mình vẫn luôn có một gia đình luôn sẵn sàng lắng nghe tôi nói, giang rộng vòng tay đón tôi quay về.
Năm nay 20 tuổi, tôi vẫn là đứa chân chạy, chẳng bao giờ chịu ngồi yên. Tuổi trẻ con người ta đi ít khi quay đầu lại. Rồi đến lúc nhớ ra thì nhiều thứ đã muộn màng. Năm nay, những ngày cuối cùng của tháng 10 tôi để mình trôi trong nhiều thứ mông lung và vớ vẩn, tôi quên đi nhiều dịp ý nghĩa của gia đình. Ngày tôi gọi cho mẹ để nói lời xin lỗi, mẹ nói rằng mẹ không trách tôi, mẹ chỉ nóng ruột vì không hiểu tại sao mẹ có linh cảm tôi đang gặp chuyện chẳng lành. Lúc đó tôi nhận ra gia đình là thứ ngọt ngào nhất tôi có được tuổi 20 này.
Mẹ. Cả cuộc đời con nếu có một người phụ nữ để thần tượng thì đó là mẹ. Là mẹ hiền lành đôi khi ngu ngơ bị người ta mắng là khờ, là mẹ chịu biết bao thiệt thòi, đau khổ vì bố, là mẹ bật khóc dàn dụa nhưng chỉ khe khẽ vì sợ con thức giấc buổi đêm, là mẹ gạt đi nước mắt đứng dậy nuôi 2 anh em con ăn học, là mẹ dù bất cứ khó khăn gian khổ nào cũng đứng cạnh con bên đời.
An Hòa thương anh nhiều hơn anh tưởng. Em là điều anh và gia đình tự hào nhất. Anh luôn hạnh phúc vì những ngày về nhà có thằng em mập ù để nghịch ngợm, để cười chảy cả nước mắt với những câu chuyện của em trai mình. Từ nhỏ đến lớn, những lúc khó khăn nhất anh và em tựa vào nhau mà phấn đấu, giờ anh đi xa nghe em trai mình thành công là niềm vui lớn nhất của một đứa anh không có mấy điều để tự hào.
Bố. Con biết rằng những dòng này bố là người duy nhất đọc được. Có người vẫn hỏi con rằng con có hận bố không. Con thừa nhận, những ngày gia đình vỡ vụn dưới chân, con chẳng thể nào yêu thương được người cha của mình. Nhưng giờ đây con lớn khôn rồi. Một lúc nào đó con nhận ra mình không còn hận bố nữa. Bất cứ người đàn ông lớn nào con gặp cũng đều có lúc sai lầm. Bố vẫn dõi theo con suốt từng ấy năm tháng. Bố cho con niềm tự hào, cho con cái tôi, cho con những quyển sách, những câu chuyện kể đêm khuya đầu đời. Giờ bố con mình là bạn, con biết rằng không thân như bố mong muốn, nhưng con vẫn luôn trân trọng tình cảm cha con đáng quý này.
Ông và bà luôn luôn là niềm tự hào của con. Những câu chuyện ông kể đôi khi vẫn làm con thấy rùng mình. Bà hiền từ cùng với mẹ là người cho con có được ngày hôm nay. Con thương lắm những lúc ông bà gọi con chỉ để nghe giọng cháu, hỏi vài câu xong lại chẳng nghĩ ra phải nói tiếp điều gì. Những lúc như vậy con chỉ muốn được về nhà để được bà ôm, để cùng ông ôn lại những câu chuyện xưa cũ khàn khàn trong mùi khói thuốc trước sân nhà…
Previous
Next Post »

Bài đăng phổ biến