Tôi hồi 20

Tôi hồi 20

BLACK JACK


Chef Chang cùng 3 đứa bạn thân đi vào 1 quán Bar “người lớn”, cậu bị bảo vệ chặn lại nhưng chuyện đó chẳng phiền hà gì vì Chef Chang đã kịp rút tấm ID Card mà chĩa vào mặt lão bảo vệ mập và đen đúa. Hôm nay cậu chẳng sợ gì, bởi lẽ cậu vừa trốn ông bố ác quỷ của mình để đi vui vẻ cùng bạn bè, cho dù cuộc vui đó có thể khiến cho buổi phỏng vấn quyết định tương lai của cậu vào ngày mai không được đảm bảo. Nhưng quay lại câu lúc nãy, giờ Chef Chang chẳng sợ gì, vì hôm nay là đêm cậu chính thức bước sang tuổi 21, cậu hét vào mặt lão mập đang siết chặt nắm đấm chực gây sự: “Back Jack motherfucker!” rồi cười phá lên và tiến vào sâu trong Bar.

Đây là một đoạn trong bộ phim về tuổi trẻ tôi thích nhất: “21 and over”. Tôi nhớ rằng một đêm nào đó của tuổi 19, tôi cùng 3 đứa bạn trong cái phòng trọ ngồn ngộn rác và đầy mùi người, đã nằm chồng lên nhau trên mấy cái ghế Sopha rách rưới, phía sau là cái máy chiếu trị giá ngót nghét 40 triệu do cả đám tự kiếm được, và gào lên như điên khi điên khi cảnh cuối cùng của bộ phim vụt qua. Đó là lần duy nhất chúng tôi coi phim mà đông đủ 4 thằng.
Tôi đã từng viết về Sài Gòn những đêm không ngủ, viết về những người bạn mà tôi coi trọng hơn bất kỳ mối quan hệ tình cảm nam nữ nào, thậm chí là đôi khi còn hơn gia đình. Tuổi trẻ của tôi không lộng lẫy nhưng đầy màu sắc, đầy tiếng cười lấp lánh từ những tình bạn vô lo vô nghĩ.
Tôi thích tuổi 21, tôi đã nói điều này nhiều lần nhưng lý do thì rất nhảm nhí, đó là vì bộ phim tôi nói trên, và vì khi đó là 4 giờ sáng, thằng Đảo và thằng Huy đã hét như muốn lôi cả cái nhà trọ dậy, và 2 giây sau tôi với thằng Bảo gào lên “Đ*m!”.
Tôi vẫn thường làm nhiều thứ vì những lý do rất không-hợp-lý. Như là không hút thuốc vì một cô bạn chẳng thân lắm nói rằng cô ghét con trai hút thuốc, đi du lịch mà không có gia đình lần đầu tiên chỉ vì giận bạn gái và muốn tránh mặt, thích đeo balo vì một bạn nữ tôi từng cảm nắng nói rằng cô thích con trai đeo balo một tay màu đen, quyết định vào báo chí chỉ vì thằng bạn thân nói rằng sau này làm nghề gì cũng được, chỉ cần được đi nhiều là tao vui rồi,...
Không biết đã từ lúc nào, tôi trở nên ghét “bẫy khái niệm”. Khi những người bạn xung quanh hỏi tôi định nghĩa của một điều nhất định nào đó, tôi đều lắc đầu hoặc miễn cưỡng đưa ra một câu trả lời. Tôi không thích đưa ra khái niệm cho mọi thứ, vì tôi biết suy cho cùng không khái niệm nào la sai, chỉ có điều là trong các sự thật ta chọn thứ gì để phục vụ mục đích nào đó. Nguyên tắc này áp dụng cho tất cả mọi thứ: lòng tốt, vũ trụ, PR, sự nghiệp, niềm vui, con người, Marketing, ...
Tuổi trẻ và tình bạn cũng vậy.
Nhưng nói vậy không có nghĩa là tôi không có những định nghĩa riêng cho mình, nhưng “riêng” có nghĩa là đối với nhiều người, định nghĩa của tôi có thể sai.
Đơn cử về tình bạn, với tôi, bạn bè là những người đi cùng nhau trên một chặng đường nào đó nhất định trong đời, và có những chặng đường bạn chỉ có thể đi cùng một số người nhất định, những người đồng hành lúc ấy gọi là bạn thân. Nếu tình bạn là thứ đáng trân trọng, thì bạn thân là (sến một chút) thứ báu vật mà cả đời người chỉ có vài cơ hội để có được, và dù cho sau này có không còn đi chung một con đường, không còn chung câu chuyện để kể thì chỉ cần lòng vẫn hướng về nhau, tình cảm quý giá ấy vẫn sẽ còn nguyên giá trị.
Tôi đã từng có một thời sống chết với một hội chiến hữu, kiểu ngày ấy chúng tôi như “Us against the world”, có thể chơi đểu cả thế giới, nhưng với nhau thì chúng tôi 4 người như một, thậm chí tôi đã nghĩ rằng không bao giờ bọn tôi có thể cách xa nhau. Nhưng cuộc sống thay đổi, chúng tôi chẳng còn chung một câu chuyện, một thời gian dài cả nhóm không ai nói với nhau một lời nào, đó là những lúc tôi không tin vào các mối quan hệ nữa. Nhưng rồi khi có cơ hội gặp lại, tôi và đứa bạn ngồi dưới khung cửa sổ nhà cũ, vừa nói chuyện, vừa hoen hoen nước mắt, tôi mới nhận ra mọi thứ vẫn chẳng mảy may thay đổi chút nào.
Chính vì vậy, khi bất kỳ một đứa bạn nào hỏi tôi rằng: “Liệu sau này tụi mình có còn chơi với nhau hay không?”, tôi chỉ muốn đấm vào mặt tụi nó. Bạn thân, đối với tôi không phải là một thứ để đem ra nghi hoặc hay cân đo đong đếm một cách chi li và ích kỷ, giống như vậy.
Tại sao tôi lại kể chuyện bạn bè ở đây ư? Vì rất rõ ràng, tuổi 21, tôi chẳng có gì trong tay quý giá hơn gia đình và bạn bè.
Tôi đón sinh nhật 21 lần đầu tiên với nhóm bạn Đại học trong một chuyến đi nhuốm màu mệt mỏi. Nhưng cái khoảnh khắc bọn tôi lao vào phòng 2 đứa con gái đang ngủ, tốc mền lên và cười đùa như những đứa trẻ bảo tôi rằng rồi mọi thứ sẽ đẹp chỉ cần chúng tôi còn thương nhau. Đêm đó mấy đứa ngồi co ro ngay quảng trường Hồ Xuân Hương và nói những chuyện không đầu không cuối, tôi thấy dù chẳng có lời chúc nào nhưng vào lúc này có tụi nó vậy là được lắm rồi.
Đêm tôi chạm ngõ 21, tôi lang thang ở bến Bạch Đằng cùng những người đã đi cùng tôi chuyến du lịch đẹp nhất trong đời, những kẻ sĩ hợp với nhau đến lạ kỳ mà chẳng vì lý do gì. Chúng tôi chơi chán chê ở phố đi bộ rồi ngủ ở một cái nhà chờ ngay gần mặt sông. Sáng hôm ấy, tôi được nhìn đám bồ câu bay lên và mặt trời đỏ hỏn đằng sau, cả vòm trờm nhuộm màu hồng sau cánh chim. Tôi đánh thức cả bọn dậy, ngắm mặt trời và nói những điều hoa mỹ.
Đêm hôm sau, tôi dành những giờ phút cuối cùng của tuổi 20 để leo lên tầng thượng của một tòa nhà cùng đám chiến hữu ngày nào. Đêm hôm ấy phảng phất mùi bia và khói cần sa. Chúng tôi nói về ước mơ và niềm kiêu hãnh. Tôi mới nhận ra là phải 5 năm trời chơi với nhau, từng đứa mới gỡ bỏ được tất cả những rào cản của sự tự tôn để mà nói thật hết những tâm tư trong lòng mình. 5 năm để tôi có được kỉ niệm đẹp nhất thời sinh viên.
Tôi kể câu chuyện về những người bạn không để khoe khoang, mà để nói rằng tôi trân trọng tất cả những ai đã đến bên đời tôi vào những thời điểm tôi chơi vơi, bất ổn và thiếu cân bằng nhất.
Tôi không phải là một đứa dễ mở lòng, cho nên tôi sẽ không quay lưng đi với bất kỳ ai giúp tôi có thể là chính mình khi ở bên họ.
Như một đứa trẻ 21 tuổi, quây phá, ngang tàng, có thể cười hà hà vào mặt bất cứ khó khăn nào trong đời và hét lên:
“Black Jack Motherfucker!”
Previous
Next Post »

Bài đăng phổ biến